Nhiều chọn lựa lãi suất
Cách gửi tiền linh hoạt nhất hiện nay chính là tiền gửi không kỳ hạn. Bằng cách này, người dân có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không mất phí cũng như không để tiền nhàn dỗi sau khi đã chốt lời khỏi vàng.
Tuy nhiên, tiền gửi không kỳ hạn cũng là loại hình có lãi suất thấp nhất hiện nay, phổ biến chỉ khoảng dưới 1%/năm.
Trong đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV hiện niêm yết lãi suất kỳ hạn này ở mức 0,1%/năm. Trong khi nhóm ngân hàng tư nhân niêm yết khoảng 0,4-0,8%/năm.
Nếu có tiền nhàn rỗi lâu hơn, lợi nhuận sẽ tăng đáng kể nếu lựa chọn các kỳ hạn trên 1 tháng. Phần lớn ngân hàng hiện này đều niêm yết lãi suất tối đa cho các khoản tiền gửi này, đạt 5%/năm.
Nếu gửi 500 triệu đồng, số tiền lãi nhận được sẽ vào khoảng 2 triệu đồng với kỳ hạn 1 tháng hoặc 6 triệu đồng nếu gửi 3 tháng.
Tại mốc kỳ hạn này, nhóm ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV cùng niêm yết ở 4,3%/năm với gói 1 tháng; và 4,8%/năm với gói 3 tháng. Tương đương mức lãi suất này, nếu gửi 500 triệu đồng bạn sẽ lần lượt nhận về 1,8 triệu và 5,4 triệu đồng tiền lãi khi tất toán.
Nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn như ACB, Sacombank, MBBank, Techcombank, VPBank… chủ yếu niêm yết lãi suất kỳ hạn này trong khoảng 4,8-5%/năm.
Trong khi đó, các khoản tiền trên 6 tháng sẽ không bị Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất nên từ kỳ hạn này, lãi tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tăng khá mạnh.
Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn niêm lãi suất ở mức thấp, khoảng 5,3%/năm, trong khi nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã tăng lên, dao động trong khoảng 6-7%/năm.
MBBank hiện niêm yết lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở mức 6,4%, tương đương với Techcombank, TPBank và Sacombank. Lãi suất tại nhóm MSB, SHB, HDBank, Oceanbank dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm.
Nếu muốn được hưởng lãi suất 7%/năm trở lên, bạn có thể lựa chọn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như ABBank, SCB, OCB, hay PGBank…
Thậm chí, nếu chọn gửi tiền vào CBBank (ngân hàng 100% vốn Nhà nước) mức lãi suất được hưởng sẽ lên tới 7,85%/năm.
Ước tính, nếu gửi 500 triệu đồng vào CBBank, sau 6 tháng người gửi sẽ thu lời gần 20 triệu đồng thay vì mức lãi hơn 13 triệu nếu gửi vào Agribank, Vietinbank, Vietcombank, hay BIDV.
Hiện nay, lãi suất cao nhất thị trường là 8,1%/năm. Ở chọn lựa kỳ hạn 1 năm này đang có sự cạnh tranh lớn nhất giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục là nhóm có lãi suất thấp nhất thị trường, cùng đạt 6,8%. Tại mức lãi này, người gửi 500 triệu đồng sau một năm sẽ nhận về 34 triệu đồng tiền lãi.
Cùng có lãi suất dưới 7% còn có SeABank, LienVietPostBank, Sacombank, Techcombank và ACB.
Nếu lựa chọn các ngân hàng tư nhân như MBBank, SHB, VPBank, hay ACB người dân sẽ được hưởng mức lãi suất khoảng 7-7,1%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cao nhất thị trường hiện thuộc về NCB với 8,1%. Tại mức lãi suất này, khoản tiền 500 triệu đồng sẽ sinh lời 40,5 triệu đồng sau một năm cho người gửi, tức cao hơn gần 20% so với nhóm ngân hàng lớn.
Nhóm ngân hàng có lãi suất tiền gửi 1 năm cao trên thị trường hiện nay gồm PVCombank, NamABank, CBBank, ABBank… xấp xỉ 7,8-7,9%/năm. Các ngân hàng quy mô vừa như Eximbank, OCB, HDBank cũng có lãi suất tiền gửi vào khoảng 7,3-7,4%/năm.
Đầu tư vàng chỉ nên dừng lại ở mua dự trữ
Sáng nay (27/2), giá vàng miếng SJC niêm yết giảm tiếp 150.000 đồng xuống dưới mốc 47 triệu/lượng, trong khi giá vàng miếng tại PNJ đã giảm 400.000 đồng so với chiều qua.
Theo đó, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) – đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng trên thị trường giảm 100.000 đồng/lượng so với chiều qua. Hiện các cửa hàng khu vực TP.HCM của doanh nghiệp này niêm yết giá ở mức 46,1 - 46,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 400.000 đồng giá bán so với chiều qua, hiện ở mức 46,9 triệu đồng/lượng, giá mua vào cũng được giảm 300.000 đồng xuống 45,8 triệu/lượng.
Như vậy, sau phiên tăng nóng hơn 3 triệu đồng ngày 24/2, giá vàng trong nước hai ngày qua liên tục giảm khiến người dân lỗ khoảng 3 triệu đồng chỉ trong 2 ngày.
Theo chuyên gia tài chính, TS.LS Bùi Quang Tín, nếu người dân mua vàng trong thời điểm này chỉ nên dừng lại ở góc độ mua để dự trữ hoặc để phân bổ tài sản đầu tư nhưng nếu vay vốn để đầu tư thì rủi ro sẽ rất lớn.
Đồng quan điểm, chuyên gia đầu tư vàng Phan Dũng Khánh, cho rằng trong những thời điểm vàng biến động, các tiệm vàng - cơ sở kinh doanh vàng đều đẩy giá lên cao, trước hết là để đón đầu giá vàng và tiếp đến là để giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho họ; chưa kể các hiện tượng làm giá ở trong đó nữa, mặc dù nhu cầu thực tế thì không tăng mạnh đột biến.
Do vậy, người dân nếu muốn đầu tư vàng thì cần phải hiểu về thị trường vàng, biết cách phân tích thị trường vàng tài chính, pháp luật, chính sách của các nước... thì mới có thể hạn chế rủi ro, bởi quá khứ giai đoạn 2008 - 2012 đã cho thấy thậm chí với các nhà đầu tư chuyên nghiệp còn có thể bị thua lỗ bởi thị trường vàng biến động.
Những ngân hàng nào miễn, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng?
Từ 25/2/2020, khách hàng của 17 ngân hàng thương mại được hưởng chính sách miễn phí dịch vụ với mức thu bằng 0 đồng hoặc giảm phí đến 90% mức thu cũ...