Vanessa Ogle đã sống ở New York, Mỹ, hơn một thập kỷ. Trong lần đến Nhật Bản vào tháng 4 năm nay, cô nói mình đã thấy ba điểm khác biệt lớn trong cách sử dụng các không gian công cộng ở Tokyo.
“Khi tôi trở lại thành phố New York và mọi người hỏi tôi thích gì nhất trong chuyến đi, tôi trả lời là tàu, sự an toàn cho người đi bộ và nhà vệ sinh. Các nhà quy hoạch thành phố New York có thể học được nhiều bài học từ việc sử dụng không gian chung một cách có tổ chức và hiệu quả của Tokyo”, Ogle viết.
Vanessa Ogle trong chuyến đi đến Nhật Bản vào tháng 4 năm 2023. |
Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ ở khắp mọi nơi
Ở thành phố New York, ngay cả khi các khu vực công cộng như công viên hoặc ga tàu điện ngầm có nhà vệ sinh, chúng không phải lúc nào cũng mở cửa. Lý do là thời gian hoạt động hạn chế hoặc do hư hỏng, Ogle cho biết.
“Trải nghiệm của tôi khi tìm nhà vệ sinh ở Tokyo khác với ở thành phố New York. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà vệ sinh có ở khắp mọi nơi, kể cả ga tàu - và thường ở cả đầu phía bắc và phía nam của nhà ga. Mọi nhà vệ sinh đều sạch sẽ và không bao giờ phải xếp hàng”, Ogle nói.
“Một số phòng vệ sinh thậm chí còn có sẵn ghế để đặt trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi”.
Ghế dành cho trẻ em tại một nhà vệ sinh công cộng Nhật Bản. |
An toàn khi qua đường ở Tokyo
An toàn cho người đi bộ là rất quan trọng ở bất cứ đâu nhưng đặc biệt cần thiết ở các thành phố, nơi thường có nhiều người đi bộ trên vỉa hè và băng qua đường đầy ô tô, xe đạp điện và xe máy.
Ogle cho biết: “Ở Tokyo, tôi rất ngưỡng mộ Ngã tư Shibuya, nơi nổi tiếng là ngã tư đông đúc nhất thế giới dành cho người đi bộ. Giao thông dừng lại ở mọi hướng để người đi bộ có thể băng qua mọi nơi. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến điều đó”.
Ngã tư Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản. |
“Tại thành phố New York, tỷ lệ tử vong của người đi bộ là một thực tế đáng tiếc bất chấp sáng kiến Vision Zero mà thành phố bắt đầu thực hiện vào năm 2014 nhằm cố gắng ngăn chặn các ca tử vong. Theo Bloomberg, vào năm 2021 tại Nhật Bản, 3.000 người chết vì tai nạn, so với 43.000 người ở Mỹ”.
Trước đây, Ogle đã từng làm về các vấn đề chính sách cho Hội đồng Thành phố New York và nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai Vũ điệu Barnes - khi tất cả các phương tiện giao thông dừng lại để người đi bộ băng qua từ mọi góc cùng một lúc, kể cả theo đường chéo.
“Một mối nguy hiểm lớn đối với người đi bộ là ngay cả khi người đi bộ có quyền ưu tiên, giao thông vẫn không được dừng ở mọi hướng; người lái xe vẫn được phép rẽ ở một số ngã tư. Mặc dù lẽ ra người lái xe phải nhường quyền ưu tiên cho người đi bộ nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra”, Ogle nói.
Nhật Bản có hơn 300 nút giao thông triển khai Vũ điệu Barnes.
Sự đúng giờ của tàu ở Nhật Bản
Theo Ogle, việc phương tiện công cộng đến chậm thường xuyên xảy ra ở Thành phố New York. Sự chậm trễ của tàu hỏa, cho dù liên quan đến công việc đã lên lịch trước hoặc xảy ra ngẫu nhiên do cháy đường ray hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, đều xảy ra quá thường xuyên.
Sự chậm trễ của tàu hỏa, tàu điện ngầm và xe buýt xảy ra nhiều đến mức Cơ quan Giao thông đô thị phải xác minh cho những người lao động đến muộn vì những gián đoạn này nếu họ yêu cầu. Những sự chậm trễ này có thể gây ra rất nhiều căng thẳng cho người dân New York.
“Ở Tokyo, tàu nổi tiếng là chạy đúng lịch trình. Trên thực tế, khi có một chuyến tàu khởi hành sớm 25 giây, người ta đã đưa ra lời xin lỗi. Các đoàn tàu trông mới tinh và tôi chưa bao giờ thấy rác trên tàu”, Ogle kể.
“Thành phố New York chắc chắn có những điểm cần cải thiện về nhà vệ sinh, an toàn cho người đi bộ và phương tiện công cộng. Mặc dù không có nơi nào là hoàn hảo nhưng điều quan trọng là phải nhìn vào những khía cạnh tích cực của các thành phố khác để xem có thể áp dụng những bài học nào”.
(Theo Insider)
Chuỗi nội thất lớn nhất Nhật Bản Nitori sắp mở rộng tại Thái Lan và Việt Nam
Chuỗi bán lẻ đồ nội thất và gia dụng Nitori đang có kế hoạch mở rộng thị trường tại Đông Nam Á nhằm tận dụng thế mạnh chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực dồi dào của khu vực này, sau khi gặp khó trong cạnh tranh tại thị trường Mỹ.