Không cầm phấn viết lên bảng từng nét chữ, cũng không soạn giáo án bài giảng cho từng tiết học, có 1 cô giáo truyền dạy những bài học rất lạ - bài học “vượt lên chính mình”.
Là MC tự do, Thùy Dung bén duyên với nghề dạy livestream được 2 năm nay nhưng nó mang lại cho cô rất nhiều điều thú vị ngoài thu nhập. Những học viên đến với Dung đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt. Họ từng đi làm nhiều công việc khác nhau, họ muốn vượt qua giới hạn an toàn của chính mình và đa phần họ đều muốn khẳng định giá trị bản thân với người đàn ông kề vai sát cánh bên họ.
Không có phụ nữ nào vô dụng, chỉ là có dám thay đổi bản thân hay không
Dung chia sẻ: “Mình tìm hiểu TikTok lâu rồi. Với số vốn 4 triệu đồng mình khởi nghiệp livestream trên TikTok thu lợi nhuận được 41 triệu tháng đầu tiên. Mình thấy khởi đầu như thế là khá ổn. Một ngày live 3 lần, tối đa thì 5 lần. Mình tự vận hành hết mọi thứ và cứ từ từ làm. Cơ duyên mình làm nghề này đến từ 1 người bạn.
Cô bạn ấy làm công sở 10 tiếng/ngày, rất bận rộn và không có thời gian lo cho gia đình. Cũng từ ấy mà vợ chồng lục đục, anh chồng yêu cầu vợ ở nhà lo cho gia đình. Thấy hiện thực trước mắt và lời chồng nói có ý đúng nên bạn ấy muốn thay đổi. Hôm đó, bạn ấy mang thùng đồ kim khí sang nhờ mình live hộ. Sau khi có đơn hàng đầu tiên bạn ấy đã nhờ mình dạy bạn ấy cách livestream. Tháng đầu tiên bạn ấy được 1000 đơn. Và theo bạn ấy động viên, mình nghĩ có khi mình hợp duyên với nghề này”.
Từng theo học đào tạo chuyên môn cùng việc tận dụng các kĩ năng, quan hệ sẵn có, Dung không đặt mục tiêu quá cao xa. Với cô đơn giản chỉ là “Phụ nữ thì nên giúp nhau”.
Những học viên đầu tiên của Dung là bạn bè, rồi họ giới thiệu nhau, độ uy tín của cô giáo Thùy Dung càng vang xa. Trong đó có trường hợp đặc biệt Dung nhớ mãi.
“Chị học viên này khá lớn tuổi so với nền tảng TikTok, gần 40 rồi. Chị ấy quê Quảng Ngãi, tính cách trầm lặng, ngoại hình không có, vừa ít nói vừa ngại giao tiếp. Chị ấy tâm sự với mình là muốn thay đổi, cải thiện kinh tế gia đình, báo hiếu bố mẹ và lo cho con cái. Chị ấy có sẵn nền tảng là làm may gia công và ăn chay trường 10 năm nay. Mình đã tư vấn cho chị ấy bán trang phục đi lễ để tận dụng được hết thế mạnh của chị ấy.
Có những lúc 2 chị em nói chuyện đến 1 giờ sáng. Chị ấy khóc, có đúng 400 nghìn tiền vốn khởi nghiệp. Nhưng nhờ sự chăm chỉ và cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng đầu tiên chị đã kiếm được 4 triệu. Với 1 người luôn nghĩ mình không làm nổi điều gì thì 4 triệu với họ đủ hạnh phúc rồi. Cứ như thế những tháng tiếp theo thu nhập đã khá hơn rất nhiều”.
Ngoài việc dạy các kĩ năng về livestream, bán hàng, Dung dành rất nhiều thời gian để lắng nghe nỗi lòng của các học viên. Họ không giống như những bạn học sinh, sinh viên. Họ là những phụ nữ trưởng thành, không chỉ đơn thuần là kiếm tiền mà họ còn khát khao được khẳng định bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi vô hình.
Phụ nữ đừng vì sợ mang tiếng “ăn bám chồng” mới bắt đầu thay đổi
Lại 1 câu chuyện khác từ học viên của Thùy Dung. Trái ngược với người phụ nữ trên, học viên này người Hà Nội, xinh đẹp, nhà ở biệt phủ. Nhưng có 1 đặc điểm khiến chị sống trong nhung lụa mà vẫn không hài lòng.
“Đây là cuộc hôn nhân thứ 2, chồng chị ấy trẻ, đẹp, kiếm tiền giỏi, kém vợ 5 tuổi. Không làm ra tiền lại có 1 đứa con riêng chị bị nhà chồng coi thường, nói chị ăn bám chồng. Vì rất nhiều áp lực nên chị ấy muốn ‘vùng lên’, muốn tự mình kiếm ra tiền mà không thụ động thời gian.
Nhưng có lẽ vì kinh tế dư dả nên chị trì hoãn vì nhiều lý do. Tất cả việc trong nhà đều đến tay chị ấy. Nếu tính ra nó còn bận rộn và áp lực hơn rất nhiều so với đi làm”, Dung kể.
Cô cho biết, đây là học viên “cá biệt” mà cô phải đề xuất: “Em xin phép cho em được mắng chị. Nếu chị nghĩ đơn giản làm hời hợt không bao giờ chị thành công. Nếu không cần tiền mà vì những lý do bắt buộc khác thì chị đừng làm”. Sau khi học 1,5 tháng thì chị đã bắt tay vào làm 1 cách nghiêm túc và đến bây giờ đã thoát khỏi cảnh ăn bám chồng.
Dung cũng nhấn mạnh: “Phụ nữ phải xác định chúng ta thay đổi là cho chính chúng ta chứ không phải vì 1 ai khác. Nếu lấy người khác làm mục tiêu bạn sẽ không bao giờ giữ được nhiệt huyết lâu dài”.
Đừng bắt đàn ông từ bỏ đam mê vì cái gọi là gia đình
Từ khi Dung dạy livestream, cô lên room vào lúc 7h tối hàng ngày. Vì làm nhiều việc khá mất thời gian nên việc nhà, chăm con, chồng Dung sẽ đỡ đần vợ. Đam mê của anh là đá bóng nhưng từ ngày thấy vợ bận quá, chồng Dung cũng phải bỏ 1 vài trận.
Dung chia sẻ: “Không phải tự nhiên mà anh ấy làm như vậy đâu. Anh ấy là người rất mê bóng đá và thích đi đá bóng. Nếu bình thường mình không khéo léo, tinh tế và ‘đôn’ vị trí, tầm quan trọng của chồng lên thì chắc chắn anh ấy sẽ không hy sinh sở thích cá nhân như thế. Có những lúc có trận bóng thi đấu giao lưu mà mình không dừng được việc anh ấy vẫn sẵn sàng bỏ. Lúc đó mình cũng không thể vào hùa hay mừng thầm, ngược lại mình khuyến khích anh ấy nên đi, việc mình sẽ sắp xếp. Vì thế nên anh ấy càng trân trọng vợ và nghĩ cho vợ nhiều hơn”.
Với kinh nghiệm và những trải nghiệm, Dung nhận thấy phụ nữ cần xác định được điều mình muốn trước và hoạch định mục tiêu rõ ràng. Cô là phụ nữ, cũng từng chông chênh giữa sự phát triển chóng mặt của xã hội khi quyết định bứt phá ở tuổi 30. Và sau nhiều nỗ lực Dung đã có những thành tựu nhất định.
Cô nhấn mạnh: “Kinh tế là nền tảng của hôn nhân. Nếu có thể, đừng đợi khi hôn nhân gặp vấn đề mới tìm đường thay đổi. Quan trọng nhất là thay đổi vì chính bạn chứ không phải vì cay cú hay chứng minh điều gì đó với 1 ai đó”.
Học sinh tiểu học viết văn kể chuyện xin mẹ một thứ, cô giáo đọc xong cũng tò mò không biết phụ huynh đáp sao
Bài văn khiến không chỉ netizen mà ngay cả cô giáo cũng cười đau bụng.