Nhắc đến chuyện trường chuyên lớp chọn, từ trước đến nay luôn tồn tại song song 2 quan điểm trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng, đối với học sinh trường chuyên cả việc học và luyện thi đều quá áp lực, học như "gà công nghiệp", học lệch, tạo ra "gà chọi" để đi thi. Trước đây, một số ý kiến yêu cầu xóa bỏ trường chuyên cũng xuất phát từ những nguyên nhân này.
Tuy nhiên không thể phủ nhận, dù có tranh cãi thì sức nóng của các kì thi chuyển cấp vào các trường chuyên cấp 2 và 3 mỗi năm vẫn không hề "hạ nhiệt". Nó không chỉ lan tỏa khắp các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà còn đến khắp nhiều tỉnh thành khác.
Nhiều gia đình đầu tư cho con từ lớp 4, lớp 5, thậm chí từ lớp 1 để có cơ hội chen chân vào các trường chuyên có tiếng... Học sinh phải luyện thi, vào trường học quá nặng nhưng nhiều phụ huynh vẫn bằng mọi giá muốn con thi đỗ với hy vọng con được học thầy cô giỏi, bạn giỏi để vào trường đại học danh giá, hay cao hơn là săn học bổng để du học nước ngoài.
Nhưng có phải trường chuyên phù hợp với mọi đối tượng?
Đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: Tố chất + nỗ lực
Là giáo viên có 15 năm kinh nghiệm, đã đồng hành cùng ít nhất 1000 phụ huynh lớp 5 có con ôn thi vào CLC, cô Trần Mai Anh (cựu giảng viên ngoại ngữ) cho rằng, đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: Tố chất + nỗ lực. Tố chất là bẩm sinh, nên các gia đình đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy cô giỏi, đưa đón. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.
Cô Trần Mai Anh (cựu giảng viên ngoại ngữ) |
Ở các trường đại học, lớp CLC quy tụ 10% sinh viên ưu tú nhất khoá, điểm đầu vào cao nhất nhì cả nước. Chương trình và phương pháp dạy của giáo viên ở lớp này khác hẳn lớp thường. Với thời lượng học như nhau, lớp thường học cơ bản, hệ CLC học cả cơ bản cả nâng cao. Khi dạy lớp thường, giáo viên giải thích kỹ, 1 vấn đề nhắc đi nhắc lại. Khi dạy CLC, giáo viên dạy lướt phần cơ bản, và gợi mở phần nâng cao.
Tương tự, nhiều học sinh và phụ huynh của cô Mai Anh chia sẻ: Ở trường chuyên nổi tiếng nọ giáo viên dạy ít lắm, thi thì khó. Cô Anh cho rằng, điều này là do chương trình và yêu cầu chung đối với trường chuyên.
Cô Mai Anh cho biết: "Nếu con đỗ được vào chuyên, con cũng cần hòa tan được vào mọi hoạt động cũng như kiến thức của lớp cũng như tốc độ giảng bài của thầy cô. Mà những bạn có tố chất tốt rồi thì không khó để học theo được cách giảng dạy này. Chú trọng kiến thức sâu rộng và nâng cao, hầu hết những kiến thức cơ bản hoặc trên cơ bản một chút sẽ phải tự học.
Còn một học sinh có tố chất trung bình, do cày cuốc ôn thi luyện kỹ lưỡng mà đỗ trường chuyên, khi phải học cùng với các bạn thông minh học 1 hiểu 10, giáo viên dạy nhanh, yêu cầu cao thì chắc chắn chuỗi ngày cố gắng của con sẽ hơn những bạn khác. Con vẫn tiếp tục phải học thêm, dành nhiều thời gian để giải quyết hết bài tập".
Mọi người sẽ bảo: Học sinh nào chẳng đi học thêm? Điều này không sai. Nhưng mục đích học thêm của các bạn khác nhau. Những bạn top trên học thêm để đứng đầu, đấu các giải, săn học bổng du học, các kì thi quốc gia quốc tế… Ngược lại, những bạn top dưới học thêm, thậm chí học gấp đôi để… đuổi theo các bạn top trên. Rồi một ngày con sẽ đuối, mệt, nản. Trong môi trường chuyên, có những người luôn dẫn đầu, và có những người dù có cố đến đâu cũng không bao giờ vươn lên nổi mức giữa.
Trong môi trường ra hành lang đụng giải quốc gia, vào nhà xe đụng giải quốc tế như nhiều trường chuyên, thì việc học cùng các bạn đó sẽ là gánh nặng cho các bạn tố chất trung bình.
Đừng để tuổi thơ của con sẽ là 1 chuỗi ngày chỉ có học và học, ám ảnh bài tập, mặc cảm yếu kém
Cô Mai Anh cho rằng, ai cũng nghĩ vào chuyên, con sẽ được học thầy cô giáo giỏi, sẽ có phong trào, sẽ học tập được từ bạn giỏi. Nhưng liệu con có hiểu hết nổi kiến thức được truyền thụ nếu thầy cô dạy một cách chóng vánh như đã nói ở trên?
Và liệu con có thể ngẩng cao đầu với bạn khi bạn mất 10 phút giải được bài khó mà con mất tận 1 tiếng? Trong 1 môi trường các con ganh đua nhau quyết liệt, khi bạn giỏi luôn đứng đầu, con phải cố gắng gấp đôi bạn mà vẫn đứng cuối, thì tuổi thơ của con sẽ là 1 chuỗi ngày chỉ có học và học, ám ảnh bài tập, mặc cảm yếu kém. Và tất nhiên, sẽ không còn thời gian để rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống.
Vì thế, cô Mai Anh cho rằng trường CLC là dành cho các bạn có tố chất đặc biệt, như đúng tên gọi của nó: "for gifted pupils" (trường cho học sinh giỏi/tài năng). Nếu con chúng ta học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ.
Nếu con phải học 1 ngày 8, 9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con học chưa giỏi, không có nghĩa là con sẽ kém. Đường dài mới biết ngựa hay, các trường chuyên chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến thành công.
"Khi ai đó hỏi "Có muốn cho con đỗ trường chuyên không", mình không thể trả lời. Mình rất muốn, nhưng còn tùy tố chất của con. Dù mình là người đồng hành cùng hàng nghìn học sinh trên khắp cả nước ôn thi vào cấp 2 cấp 3 trường chuyên chọn.
Là 1 người mẹ, mình muốn con mình luôn tự tin ở bản thân, phát huy được mọi khả năng mà con có, dù đó có là khả năng gì đi chăng nữa. Nếu con là cá, mình không muốn bắt nó leo cây, mà muốn tìm môi trường nước cho con vùng vẫy.
Mình muốn được là 1 bà mẹ tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi nuôi con, giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Con cần có những ước mơ, con cần có bản lĩnh, con cần cố gắng vượt qua giới hạn đang có của bản thân nhưng không nhất thiết phải đỗ vào trường chuyên lớp chọn, lớp tài năng. Nếu đã cố gắng hết sức, chúng ta vẫn vô cùng happy với những lựa chọn và những ngôi trường hạnh phúc tuyệt vời khác", cô Mai Anh chia sẻ.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn vụ nữ sinh trường chuyên tự tử nghi do bạo lực học đường
Liên quan vụ nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị trường THPT chuyên Đại học Vinh và Sở GD&ĐT Nghệ An sớm điều tra, làm rõ sự việc.