Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Nguyên Sinh và bác sĩ Phạm Đức Thắng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, tía tô (theo y học cổ truyền) là loại dược liệu có tác dụng hạ sốt, vã mồ hôi, giúp tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc, hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa. Mặc dù vậy, chưa có tài liệu chính thống nào báo cáo về tác dụng phòng ngừa phản ứng phụ sau tiêm vacicne của tía tô, cũng như chưa có khuyến cáo nào từ các chuyên gia là nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm vaccine.
Đồng thời cũng chưa có nghiên cứu nào về việc uống nước tía tô trước khi tiêm vaccine ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vaccine, có làm cho cơ thể phản ứng miễn dịch chậm với vaccine hay không. Mặt khác, uống quá nhiều nước tía tô sẽ gây đầy hơi, chướng bụng và một số tác dụng không mong muốn khác.
Các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm việc. Các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau 12-48 giờ.
Một số biện pháp có thể áp dụng để giúp cải thiện phản ứng sau tiêm như: Để giảm đau và giảm khó chịu tại vị trí tiêm, có thể áp một chiếc khăn sạch, mát và ẩm lên khu vực đó; sử dụng hoặc tập thể dục cho cánh tay; cho trẻ uống thật nhiều nước, mặc trang phục nhẹ nhàng không gây nóng bức để giảm khó chịu do sốt.
Ngoài ra, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM: Phụ huynh không tự ý ngừng thuốc trẻ đang điều trị bệnh lý mạn tính nếu có. Cần đem toa thuốc, bệnh án nếu có để bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng xem xét chỉ định vaccine COVID-19 phù hợp,
Không trì hoãn những lịch tiêm vaccine khác mà trẻ đang tiêm chủng. Đem theo sổ tiêm chủng những vaccine khác của trẻ khi đến tiêm vaccine COVID-19. Với trẻ em gái, bác sĩ Minh lưu ý nếu đến ngày hành kinh bố mẹ cũng không nên lo lắng hay cần thiết tạm hoãn tiêm chủng, trừ trường hợp đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt.
Trước ngày tiêm, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm, giải thích về việc tiêm vaccine COVID19, tạo tâm lý thư giãn thoải mái. Cho trẻ dùng thêm một bữa ăn nhẹ một tiếng trước khi đi tiêm, để tránh chờ lâu sẽ khiến trẻ đói bụng. Trẻ có thể uống viên sủi đa vitamin hoặc vitamin C (sau ăn) trước khi đi tiêm.
Uống nhiều nước vào ngày tiêm vaccine có thể giúp trẻ bớt sốt. Cho con mặc trang phục thoải mái, rộng rãi khi đi tiêm. Nếu không có vaccine nào khác tiêm cùng ngày thì vị trí tiêm vaccine COVID-19 nên là tay không thuận (ví dụ trẻ thuận tay phải thì nên tiêm vaccine tay bên trái), để giảm những khó khăn trong sinh hoạt học tập của trẻ do đau, nhức mỏi cánh tay sau tiêm vaccine.
Ngoài ra, không để băng keo cá nhân ở vị trí tiêm quá lâu, sau 30 phút có thể giúp trẻ gỡ ra.
Quan sát theo dõi sức khỏe trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng, nếu có bất cứ những triệu chứng khó chịu nào nên báo ngay cho ba mẹ hoặc nhân viên y tế.
Sau đó phụ huynh cho trẻ về nhà nghỉ ngơi ngay, không nên đi chơi hay tham gia những hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm chủng. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện bất thường như sốt cao (≥ 39 độ C) liên tục, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đừ...