Có phải là một món hời nếu giá sản phẩm kết thúc bằng số 9?

Nhiều người mua hàng thường nghĩ rằng, giá thành của sản phẩm được kết thúc bằng số 9 là một món hời, nhưng thực tế có phải như vậy không?

Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với giá bán của các sản phẩm trong chương trình giảm giá. Một tuyệt chiêu khuyến mại được rất nhiều nhãn hàng sử dụng là đặt mức giá của sản phẩm kết thúc bằng số 99. Ví dụ như 99k, 199k, 299k, 399k... Nhiều người mua hàng thường nghĩ rằng, giá thành của sản phẩm được kết thúc bằng số 9 là một món hời, nhưng thực tế có phải như vậy không?

Sức mạnh của số 9

Nguồn ảnh: dnaindia
Nguồn ảnh: dnaindia

Mánh sử dụng số 9 để định giá các mặt hàng rất phổ biến đối với các sản phẩm, đặc biệt là trong chương trình giảm giá. Đây được coi là một phương pháp bán hàng khai thác tâm lý, còn được gọi là "định giá quyến rũ".

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số sự thật đáng ngạc nhiên về việc định giá sản phẩm với số cuối là 9. Một món hàng có giá 99k sẽ nhỏ hơn món hàng giá 100k, chỉ với 1 nghìn đồng nhưng tạo cảm giác cho người mua hàng rằng họ đang có một món hời.

Trong cuốn sách Priceless, William Poundstone đã phân tích 8 nghiên cứu khác nhau về cách sử dụng giá tâm lý. Ông cũng phát hiện ra rằng giá tâm lý giúp tăng doanh thu lên 24% so với những mức giá tròn.

Daniel Levy, Giáo sư kinh tế tại Đại học Emory và Đại học Bar-Ilan ở Israel nói với Wall Street Journal: "Có điều gì đó kỳ diệu về số việc giá cả kết thúc bằng số 9 đối người mua hàng, thúc đẩy việc họ chọn lựa món đồ đó vào giỏ hàng nhiều hơn".

Trong thực tế, một thí nghiệm được thực hiện bởi MIT và Đại học Chicago. Một món trang phục nữ tiêu biểu được định giá 34 USD, 39 USD và 44 USD. Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy rằng, những món 39 USD bán chạy nhất, hơn cả những món 34 USD.

Người tiêu dùng biết rằng 99k về cơ bản là 100k, vậy tại sao các nhà bán lẻ vẫn sử dụng chiến lược giá này?

Nguồn ảnh: supermarketnews
Nguồn ảnh: supermarketnews

Giá kết thúc bằng 9 vẫn mang tới sự tối ưu hơn. Đầu tiên đơn giản là thói quen đọc giá từ trái sang phải của người tiêu dùng và có thể có xu hướng hiểu 99k giống như 90k, vì vậy thà trả 99k hơn là 100k.

Ai cũng hiểu 199.000 đồng cũng tương tự như 200.000 đồng nhưng niêm yết 199.000 đồng cho khách suy nghĩ mức giá trong khoảng rẻ hơn. Chuyên gia tiếp thị Đại học Birmingham Subimal Chatterjee cho rằng, người tiêu dùng không muốn chi tiêu quá mức, vì vậy dù một xu ít hơn cũng có thể tạo ra sự khác biệt về tâm lý tiêu dùng.

Còn tạp chí Harvard Business Review cho hay, số 99 ở cuối dãy số niêm yết giá rất quan trọng. Người tiêu dùng cho rằng mua được sản phẩm mới mức giá thấp nhất, và tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ khi mua mặt hàng có số kết thúc là ...99. Chuyên gia tiếp thị Eric Anderson, Đại học Northwestern cho hay, không chỉ giảm giá mà nếu tăng giá thì người bán cũng thích chọn các mức giá có số 9.

Vậy có phải là một món hời nếu giá sản phẩm kết thúc bằng số 9?

Nguồn ảnh: cleveland
Nguồn ảnh: cleveland

Giáo sư Avichai Snir của Trường Cao đẳng Netanya phát hiện ra rằng, dựa trên nhiều năm dữ liệu từ các cửa hàng tạp hóa ở Hoa Kỳ, khi giá của một mặt hàng có tận cùng bằng số 9 được so sánh với giá của cùng một mặt hàng không có tận cùng trong 9, thì giá mặt hàng có tận cùng bằng số 9 trung bình có giá cao hơn 18%.

Phát hiện này được kiểm tra trên nhiều loại hàng hóa bao gồm phô mai, bánh quy, nước trái cây đóng chai, súp đóng hộp, nước rửa chén, thuốc giảm đau, thuốc lá, giấy vệ sinh, nước ngọt, dầu gội đầu. Khi giá của một mặt hàng kết thúc bằng số 9, nó thường đắt hơn.

Theo aboluowang, Kissmetrics

Thảo Nguyễn

'Không xu dính túi' nhưng Gen Z lại là thế hệ tiêu dùng thông minh

"Không xu dính túi' nhưng Gen Z lại là thế hệ tiêu dùng thông minh

Được tiếp cận từ sớm với công nghệ thông tin, rất nhiều bạn trẻ GenZ lựa chọn lối sống không tiền mặt.