Cổ phiếu cần quan tâm 30/12: QTP, MWG, CTS, STB

QTP, MWG, CTS, STB là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 30/12, theo các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị QTP: Mua với giá mục tiêu 22.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS): Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu QTP của CTCP nhiệt điện Quảng Ninh với giá mục tiêu 12 tháng ở mức 22.800 đồng/CP dựa trên các luận điểm chính:

1) Hiệu quả kinh doanh tăng lên khi chi phí khấu hao và tài chính giảm xuống; 2) Nhu cầu hệ thống điện dự báo tăng mạnh trở lại từ 2022 khi dịch Covid được kiểm soát; 3) Chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn trong những năm tới khi lợi nhuận tăng.

Về kết quả kinh doanh, sản lượng điện sản xuất trong quý 3 tăng 34% so với cùng kỳ, sản lượng điện 9 tháng đầu năm đạt 5,3 tỷ kwh, sản lượng điện thương phẩm đạt 4,8 tỷ kwh, hoàn thành 74% kế hoạch cả năm.

Riêng trong quý 3, sản lượng điện thương phẩm đạt 1,46 tỷ kwh, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm trước, đưa kết quả kinh doanh từ mức lỗ cùng kỳ năm trước thành lãi.

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm vượt 25% kế hoạch cả năm: Doanh thu 9 tháng đạt 6.238 tỷ đồng, bằng 93% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 75% kế hoạch năm. Đặc biệt nhờ tiết giảm chi phí khấu hao, chi phí lãi vay, trong khi sản lượng điện tốt lên, lợi nhuận trước thuế đạt 421 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 40 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020 và vượt 25% kế hoạch cả năm.

Điểm nhấn: Nhà máy hoạt động ổn định, duy trì sản lượng cao, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Năm 2021 dự kiến sản lượng điện sản xuất vượt kế hoạch 7,17 tỷ kwh. Năm 2022 chúng tôi đánh giá công ty có thể đạt sản lượng từ 7,2 - 7,3 tỷ kwh do nhu cầu điện tăng, nguồn thuỷ điện dự báo bị hạn chế do thời tiết, trong khi một số nhà máy nhiệt điện than trong khu vực gặp sự cố kỹ thuật.

Giảm chi phí khấu hao và lãi vay: Từ 2020 khi nhà máy QN1 cơ bản khấu hao xong phần máy móc thiết bị, chi phí khấu hao của công ty được điều chỉnh và giảm tương đối lớn từ mức gần 2.000 tỷ/năm về mức 1.100 tỷ/ năm.

Từ 2022, chi phí khấu hao tiếp tục giảm thêm khoảng 250 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí lãi vay cũng giảm xuống khi công ty cơ bản sẽ trả xong Vay nợ dài hạn trong năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ điện hồi phục và tăng khoảng 9 - 10% trong 2022: Nhu cầu điện có khả năng tăng 9 - 10% sau khi có mức tăng chậm dưới 4% trong năm 2021. Trong dài hạn đến 2025 nhu cầu tiêu thụ điện vẫn được dự báo ở mức từ 8,6 – 9,4%/năm, là cơ hội để công ty tiếp tục phát triển ổn định.

Chúng tôi dự báo sản lượng điện cả năm 2021 sẽ đạt mức 7,2 tỷ kwh, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu cả năm đạt mức 9.265 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 1.584 đồng.

Trong năm 2022, chúng tôi dự báo sản lượng điện tiếp tục duy trì mức tối thiểu 7,2 tỷ kwh, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 10.167 tỷ đồng và 1.054 tỷ đồng, tăng 10% và 40% so với 2021.

Định giá cổ phiếu: Kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu và so sánh PE-PB, giá trị cổ phiếu QTP được xác định ở mức 22.800 đồng/cổ phần.

Khuyến nghị MWG: Mua với giá mục tiêu 176.000 đồng/CP

CTCK SSI (SSI): Trong tháng 11, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG – sàn HOSE) đạt 11.523 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng25% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 489 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ).

Lũy kế 11 tháng 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 110,53 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 4.395 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 88% và 93% kế hoạch năm 2021.

Chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận ròng năm 2021 là 4,7 nghìn tỷ đồng. Vì MWG sẽ ngừng mở mới cửa hàng Bách hóa xanh, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh lại ước tính cho năm 2022.

Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá mục tiêu hiện tại của chúng tôi là 176.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu.

Khuyến nghị CTS: Chốt lãi tại ngưỡng 55.500 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu CTS (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam - sàn HOSE) vừa hình thành phiên bứt phá khỏi ngưỡng 40.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 43.0, chốt lãi tại ngưỡng 55.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 40.0.

Khuyến nghị STB: Mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – sàn HOSE) ở mức 73 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Với mức giá hiện tại, STB đang giao dịch mức P/B là 1.6x, thấp hơn mức trung bình ngành là 2.2x cho thấy mức định giá hiện tại hấp dẫn.

Đồ thị giá của STB đóng cửa phiên 28/12 tăng 7% và vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng đột biến so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Mức kháng cự ngắn hạn gần nhất là 31.25, nhưng mức kháng cự mạnh nhất là mức cao nhất 52 tuần (tức là mức 33.87).

Xu hướng ngắn hạn của STB cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đàu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi mức Stock Rating trên 80 điểm.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương