Công nghệ cô đặc nước quả JEVA giành giải thưởng “Best Innovation Award”

Công nghệ JEVA cho phép cô đặc nước quả tại nhiệt độ và áp suất thường mà vẫn giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu.

Đầu năm 2021, “Công nghệ cô đặc nước quả JEVA” của PGS.TS Nguyễn Minh Tân Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (INAPRO), trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS) đã được nhận giải thưởng “Best Innovation Award” của Quỹ Đổi mới sáng tạo Toàn cầu Hitachi. Giá trị giải thưởng là: 3.000.000 Yên Nhật (tương đương 656.280.000 VNĐ).

PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (INAPRO), trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS)
PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (INAPRO), trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS)

Công nghệ JEVA là kết quả nhiều năm nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào cuộc sống của PGS.TS Nguyễn Minh Tân và cộng sự.

Mô tả tóm tắt quy trình Công nghệ JEVA
Mô tả tóm tắt quy trình Công nghệ JEVA


Công nghệ JEVA - tên đầy đủ là công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng (Juice EVAporation Technology).

Công nghệ JEVA, cho phép cô đặc nước quả tại nhiệt độ và áp suất thường. Thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả, thực hiện tại nhiệt độ thấp (dưới 42°C) nên nước quả được tách chiết theo công nghệ JEVA giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính châu Âu, Mỹ, Nhật….

Thành phẩm cho  nồng độ chất khô cao (khoảng 70°Brix) nên giảm thể tích vận chuyển, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài và không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào.

Công nghệ JEVA không sử dụng hóa chất và tiêu hao năng lượng thấp hơn so với quá trình cô đặc nhiệt, việc vận hành hệ thống thiết bị không gây ra các tác động bất lợi cho môi trường. Trong quá trình vận hành, hệ thống thiết bị chỉ thải ra một lượng nước nhỏ có lẫn đường hoa quả trong nước thải. Lượng nước này có thể được pha loãng để đưa vào cùng xử lý với nước thải sinh hoạt tại cơ sở sản xuất hoặc được dẫn vào bể chứa của cơ sở chế biến.

Sản phẩm dịch quả cô đặc bằng công nghệ JEVA đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật...
Sản phẩm dịch quả cô đặc bằng công nghệ JEVA đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật...

Công nghệ JEVA rất thích hợp để sử dụng tại các cơ sở chế biến rau quả tại Việt Nam với quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không ổn định. Công nghệ này cũng là giải pháp giúp giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, và góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Việt.

Trước đó, công nghệ JEVA cũng đã nhận được giải Bạc tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ do Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các Bộ liên quan của Hàn Quốc tổ chức vào tháng 6/20219.

Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo Châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi được phát động vào năm 2020 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề xã hội trong khu vực ASEAN. Giải thưởng này công nhận những cá nhân và tập thể đã phục vụ lợi ích công cộng thông qua ứng dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D) để đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ (SDGs).

Diệu Thuần (T/h)

Cận cảnh 'giải cứu' nông sản nhờ vào công nghệ JEVA

Cận cảnh "giải cứu" nông sản nhờ vào công nghệ JEVA

Việc áp dụng công nghệ JEVA vào việc "giải cứu" nông sản là một giải pháp vô cùng hữu hiệu.