Chiều 16/10: Không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, kiểm soát chặt người nhập cảnh vào Việt Nam

Cập nhật lúc 18h ngày 16/10, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, đã bước sang ngày thứ 44 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Như vậy, đến thời điểm này đã tròn 1 ngày kể từ 18h chiều ngày 15/10, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào. Số lượng ca mắc COVID-19 ở Việt Nam vẫn là 1.124 ca, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Đến hôm nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 44 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 59 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 76 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, BN411 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.031 bệnh nhân.

Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 7 ca, số ca âm tính lần 2 là 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.

Quản lý chặt người nhập cảnh trong khu cách ly

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Công điện đến Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.

Theo đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là các chuyên gia từ Liên Bang Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trong khu cách ly. Ảnh: ND
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trong khu cách ly. Ảnh: ND

Tuy nhiên, việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là vấn đề thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các chuyên gia tại các cơ sở cách ly, chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương.

Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly. Điều này dẫn đến nguy cơ cao làm lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng chống dịch của cả nước.

Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị các cấp ban ngành liên quan cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh và cách ly tại Việt Nam.

Diễn biến COVID-19 trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 16/10, trên thế giới có tổng cộng 39.241.220 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.104.026 ca tử vong. Số ca bình phục là 29.415.417 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 8.219.088 ca mắc và 222.754 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 7.372.394 ca mắc và 112.214 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 5.170.996 ca mắc và 152.513 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Ấn Độ vẫn không mấy khả quan khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Ấn Độ vẫn không mấy khả quan khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.

Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia khi số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh. Cụ thể, trong vòng 24 giờ, Nga ghi nhận số ca mắc mới là 15.150 ca, nâng tổng số ca bệnh lên thành 1.369.313 ca. Tương tự, số ca mắc mới trong ngày ở Mexico là 5.514 ca và ở Bỉ lên đến 10.448 ca.

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 vẫn không mấy khả quan khi các quốc gia đều ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Hôm nay, Philippines ghi nhận 3.139 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên thành 351.750 ca. 

Hiện, Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN. Trong vòng 24 giờ, quốc gia này ghi nhận thêm 4.301 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh lên thành 353.461 ca và số ca tử vong lên đến 12.347 ca.   

Vắc xin COVID-19 của Trung Quốc cho kết quả thử nghiệm khả quan

Loại vắc xin tiềm năng này có tên gọi BBIBP-CorV, do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia (CNBG) của Trung Quốc bào chế. Vaccine này đã được phê chuẩn cho chương trình tiêm chủng khẩn cấp tại Trung Quốc, dành cho các lao động làm việc trong ngành thiết yếu và một số nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Kết quả nghiên cứu công bố ngày 15/10 trên tạp chí y học The Lancet cho thấy, vắc xin thử nghiệm không gây tác dụng phụ nghiêm trọng mà chỉ tạo ra những phản ứng phụ ở mức nhẹ và vừa phải như đau ở chỗ tiêm và sốt.

Kết quả được công bố sau khi hơn 600 người trưởng thành khỏe mạnh được tiêm thử vắc xin BBIBP-CorV trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II từ ngày 29/4 - 30/7 vừa qua.

Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin này sẽ rõ ràng hơn chỉ khi các nhà nghiên cứu hoàn tất cuộc thử nghiệm giai đoạn III đang được tiến hành ở bên ngoài Trung Quốc.

  Vắc xin của tập đoàn Biotec quốc gia được trưng bày tại triển lãm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Vắc xin của tập đoàn Biotec quốc gia được trưng bày tại triển lãm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, ngày 16/10, tập đoàn đa quốc gia Fujifilm cho biết, một trong những công ty con của tập đoàn đã đệ đơn lên Chính phủ Nhật Bản để xin cấp phép cho sử dụng thuốc kháng virus Avigan để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này.

Tháng trước, hãng dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical thông báo đã hoàn tất giai đoạn III của cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Avigan, bắt đầu hồi tháng 3. Đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc Avigan, thời gian phục hồi là 11,9 ngày, sớm hơn so với thời gian 14,7 ngày đối với những người dùng giả dược. Quá trình thử nghiệm lâm sàng cũng chưa xuất hiện những lo ngại mới về tính an toàn, ngoài những tác dụng phụ đã được chỉ ra trước đây. 

Nếu được các cơ quan chức năng của Nhật Bản chấp thuận, đây sẽ là loại thuốc thứ ba được Nhật Bản cấp phép sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19, sau thuốc Remdesivir và Dexamethasone.

(Tổng hợp)

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương