COVID-19 chiều 23/3: Việt Nam có 1 ca nhiễm nhập cảnh, thế giới thêm 400.000

Theo Bộ Y tế chiều 23/3, Việt Nam có 1 ca nhiễm mới là người nhập cảnh được cách ly ngay.

Bệnh nhân 2576, nam, 25 tuổi, địa chỉ tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Cập nhật tình hình COVID-19 tại Việt Nam ngày 23/3/2021.

Ổ dịch lớn nhất hiện nay tại Hải Dương cơ bản được kiểm soát, tỉnh này bước sang ngày thứ 5 liên tiếp không thêm ca mắc mới.

10 tỉnh, thành phố đã hơn một tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP HCM. Hà Nội đã 35 ngày không có ca mắc mới, Hải Phòng đã qua 27 ngày.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa phê duyệt vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga. Đây là vaccine COVID-19 thứ 2 được Việt Nam phê duyệt.

Vaccine Sputnik V đã được chấp thuận sử dụng tại 56 quốc gia trên toàn cầu với tổng dân số hơn 1,5 tỷ người. Vaccine đã được đăng ký tại Việt Nam theo thủ tục cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Hiệu quả của Sputnik V là 91,6% được xác nhận bởi dữ liệu trên Lancet, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất và uy tín nhất thế giới. Sputnik V là một trong ba vaccine trên thế giới có hiệu lực trên 90%; Sputnik V cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ trước các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19.

vaccine-covid19-1616083892635778760174.jpeg
Hôm nay Việt Nam thử nghiệm tiêm vaccine covid-19.

Tình hình dịch bệnh thế giới: Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 398.348 trường hợp mắc COVID-19 và 6.296 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 124,2 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,7 triệu người không qua khỏi.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 556.872 ca tử vong trong tổng số 30.369.989 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.700 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.451 ca tử vong trong số 11.520.268 bệnh nhân.

Tuy nhiên, xét về khu vực, hiện châu Âu là lục địa có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với 37.641.606 ca nhiễm virus, trong đó có 879.078 ca tử vong.

Bắc Mỹ là khu vực xếp thứ hai với 35.102.226 ca mắc và 803.901 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 27.011.140 ca nhiễm virus và 416.896 ca tử vong. Đứng thứ tư là Nam Mỹ với 20.018.966 ca nhiễm và và 518.169 ca tử vong.

Mặc dù đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, ngày 22/3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton nhận định Liên minh châu Âu (EU) có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 7 tới. 

Hiện phần lớn các nước châu Âu đã nối lại việc sử dụng vaccine của AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá sản phẩm này là "an toàn và hiệu quả". Tuy nhiên, AstraZeneca mới chỉ bàn giao 30% trong tổng số 90 triệu liều vaccine mà hãng cam kết phân phối cho EU trong quý đầu.

HẢI MY