Tính đến 18h ngày 3/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca. Tính từ 18h ngày 2/1 đến 18h ngày 3/1, có thêm 12 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy, hôm nay là ngày thứ 33 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. 12 ca mắc mới là các BN1483 đến BN1494, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội (5), tỉnh Phú Yên (7).
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 18.743 người. Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hôm nay có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN1356 và BN1403.
Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi 1.339 trong tổng số 1.494 bệnh nhân COVID-19.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 3/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 85 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1,84 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là trên 60 triệu người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 20.904.701 ca nhiễm và 358.682 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 10.324.631 ca nhiễm và 149.471 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 7.716.405 ca và 195.742 ca.
Mỹ ghi nhận số nhiễm mới cao nhất theo ngày
Hôm 2/1, nước Mỹ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày, với hơn 277.000 bệnh nhân mới.
Ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Mỹ, cảnh báo rằng, "thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa đến" và Mỹ sẽ đạt "đỉnh nguy kịch" khi những chuyến du lịch nghỉ lễ cuối năm 2020 sẽ khiến virus lây lan nhanh chóng.
Theo giới quan sát, Mỹ đang lúng túng trong nỗ lực dập dịch COVID-19, khi những kế hoạch tiêm chủng gặp trở ngại do những vấn đề hậu cần và các bệnh viện quá tải.
Mỹ đón năm mới 2021 trong lặng lẽ do Covid-19. Ảnh: CBS |
Hiện hơn 4,2 triệu người ở Mỹ đã được tiêm mũi thứ nhất của vaccine COVID-19 , trong tổng số 13 triệu liều được phân phối tới nước này. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu 20 liều vaccine mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết hồi cuối năm 2020.
Theo thống kê trên trang www.ourworldata.org, mặc dù Mỹ đã đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại nước này vẫn rất thấp, chỉ đạt 0,84%.
Ấn Độ phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo, nước này đã nuôi cấy thành công biến thể VUI-202012/01 của virus SARS CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc từ Anh.
Trong tuyên bố đăng trên mạng Twitter ngày 2/1, ICMR khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới thông báo về việc phân lập và nuôi cấy thành công biến thể SARS-CoV-2 ở Anh. Tuyên bố nêu rõ: “Biến thể virus ở Anh, với tất cả các thay đổi về đặc tính, hiện đã được phân lập và nuôi cấy thành công tại Viện Virus Quốc gia (NIV) từ các mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Anh”.
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Ảnh minh họa: AFP |
Trước đó, Anh thông báo biến thể virus SARS CoV-2 mới được phát hiện trong cộng đồng có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%. Theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, tính đến thời điểm này, nước này đã ghi nhận tổng cộng 29 người nhiễm biến thể VUI-202012/01.
Trong thông báo mới nhất, cơ quan dược phẩm Ấn Độ xác nhận đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp đối với hai loại vaccine, trong đó có sản phẩm do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác bào chế và vaccine của công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất.