Tính đến 6h ngày 10/10, Việt Nam vẫn giữ nguyên con số, tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (16 ca), Hà Nội (11 ca), TP.HCM (8 ca),… Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.
Tính từ 18h ngày 9/10 đến 6h ngày 10/10, cả nước không có ca mắc mới, và cũng không có ca nhiễm mới nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 38 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 53 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Số ca cách ly tính đến 6h ngày 10/10 là 15.777 người. Đồ hoạ: Bộ Y tế |
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.024 bệnh nhân/1.105 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; số ca âm tính lần 2 là 7 ca; số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Hôm qua, báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức có bài viết đánh giá cao hình mẫu chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Tờ này nhận định nên coi Việt Nam như hình mẫu trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
Bài báo dẫn các đánh giá cho rằng Đức nên nhìn sang Việt Nam để thấy hiệu quả trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Trong khi nước Đức đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong vì COVID-19 thì Việt Nam, quốc gia đông dân hơn với khoảng 100 triệu người, đến nay mới chỉ có tổng cộng 35 ca tử vong.
Hơn nữa, số ca tử vong đa phần đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng,…
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 37.064.839 ca, trong đó có 1.071.460 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 27.859.978 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 68.464 ca và 8.133.401 ca đang điều trị tích cực.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn bởi nó xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Như Châu Âu số ca bệnh tăng mạnh trở lại, một số nước thành viên đã áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách, quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (gần 79.000 ca), Mỹ (gần 40.000) và Brazil (gần 30.000). Chính phủ Mỹ dự kiến cung cấp miễn phí khoảng hơn 1 triệu liều điều trị kháng thể đối với bệnh COVID-19 cho người dân giống như loại Tổng thống Donald Trump đã dùng để điều trị những ngày vừa qua.
Nhiều tổ chức dự báo dịch sẽ còn kéo dài đến năm 2021. Dự kiến mùa đông năm nay, tình hình dịch dịch trên toàn cầu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.