COVID-19 sáng 17/2: Không ghi nhận thêm ca mắc mới, gần 146.000 người cách ly chống dịch

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 6h ngày 17/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.412 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 719 ca.

Tính từ 18h ngày 16/2 đến 6 giờ ngày 17/2, nước ta không ghi nhận thêm  ca mắc mới COVID-19.

Đến thời điểm này, nước ta còn 145.925 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 584 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.251 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 130.090 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

ttxvn_covid19_sang_1702.jpg
Giấy thông báo bên ngoài cổng chùa tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế, có 37 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 29 người âm tính lần 2 và 20 người âm tính lần 3. Đã có 1.573 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi.

Theo Bộ Y tế, nhìn chung tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được kiểm soát; 12/13 tỉnh, thành phố (trừ Hải Dương) có ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Các ổ dịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng được kiểm soát với nhiều biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt.

cah-ly-sang-17.jpg

Tình hình dịch tại Hải Dương vẫn phức tạp, có khả năng còn kéo dài khi số lượng ca mắc chưa giảm.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khi có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang -Khử khuẩn -Khoảng cách-Không tập trung đông người- Khai báo y tế.

Nước Mỹ gần nửa triệu người chết, đã tiêm 55 triệu liều vaccine

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 109.995.046 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.427.501 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 84.787.093 người, 22.495.828 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 97.447 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (55.271 ca), Mỹ (53.229 ca) và Pháp (19.590 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.415 ca), tiếp theo là Brazil (1.045 ca) và Anh (799 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 28.370.907 triệu người, trong đó có 499.619 ca tử vong.

Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.937.106 ca nhiễm, bao gồm 155.588 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 240.940 trong tổng số 9.921.981 ca nhiễm.

vna_potal_bo_truong_tai_chinh_my_de_nghi_ho_tro_cac_ho_gia_dinh_trung_luu_doi_pho_voi_dich_covid-19_5287074.jpg
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 5/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

WHO báo cáo sụt giảm 16% ca nhiễm COVID trên toàn cầu kể từ tuần trước

CNN dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tổng ca nhiễm COVID trên toàn cầu đã giảm 16% trong tuần lễ kết thúc vào ngày 14/2 so với tuần trước đó. Cụ thể có 81.000 ca tử vong và 2,7 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua - ít hơn 500.000 ca nhiễm mới so với tuần trước đó.

Mỹ hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần, tiếp theo là Brazil, Pháp, Nga, Anh và Bắc Ireland.

WHO lưu ý biến thể mới tại Anh hiện đã được phát hiện ở 94 quốc gia, và biến thể ở Nam Phi xuất hiện ở 46 quốc gia, trong khi biến thể tại Brazil được ghi nhận ở 21 nước.

Mỹ đã tiêm trên 55 triệu liều vaccine COVID-19

CNN dẫn nguồn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, trên 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại nước này, và mới chỉ chiếm khoảng 72% số liều đã được phân phối.

Chính quyền Tổng thống Biden đang tăng cường cung ứng vaccine cho các tiểu bang, với tốc độ lên tới 13,5 triệu liều/tuần, tăng tới 57% so với mức ở thời điểm nhậm chức. Khoảng 2 triệu liều vaccine sẽ được chuyển trực tiếp tới các hiệu thuốc trên toàn quốc trong tuần này. 

Hãng Moderna dự kiến sẽ chuyển giao cho Mỹ 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3, tiếp đó là thêm 100 triệu liều khác vào cuối tháng 5 và 100 triệu liều tiếp theo vào cuối tháng 7.

nghi-si-2.png
Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer phát biểu với các phóng viên. Ảnh: Getty Images

Trong một diễn biến khác, Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer cho hay, Quốc hội có thể sẽ có hành động cuối cùng về gói cứu trợ COVID trong tuần lễ kết thúc vào ngày 8/3.

Điều đó có nghĩa Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật cứu trợ COVID vào cuối tuần tới, tiếp theo là cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Nếu Thượng viện yêu cầu sửa dự luật, nó sẽ được gửi trở lại Hạ viện. Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng gói cứu trợ COVID sẽ có mặt trên bàn Tổng thống Biden vào 14/3 để ông ký phê chuẩn đúng thời điểm các cứu trợ thất nghiệp hết hạn.

(Tổng hợp)

PV