COVID-19 sáng 23/7: Việt Nam không ghi nhận thêm ca dương tính, thế giới vượt 15 triệu ca nhiễm

Trong 24h qua, thế giới ghi nhận 256.170 trường hợp mắc COVID-19 và 6.573 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng lên trên 15,3 triệu người. Việt Nam không ghi nhận thêm ca dương tính.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 23/7 cho biết: Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 23/7, Việt Nam đã có 98 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng có 268 ca mắc COVID-19 nhập cảnh đã được cách ly ngay, không có khả năng lây ra cộng đồng. Cả nước không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 từ 18h ngày 22/7 đến 6h ngày 23/7.

Hiện có 43 trường hợp đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định. Trong đó đã có 1 ca cho kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần. Số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam là 42 ca. Có 365/408 trường hợp nhiễm COVID -19 ở nước ta đã được chữa khỏi, chiếm 89,5% tổng số ca bệnh; chưa có trường hợp tử vong.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 5 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 9 ca bệnh; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) điều trị 1 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị 2 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa –Vũng Tàu) điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 4 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) điều trị 8 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 1 ca và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị 4 ca bệnh.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đến 6h ngày 23/7.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đến 6h ngày 23/7.

Cả nước vẫn còn 11.597 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe, trong đó 136 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.888 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 573 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Dịch COVID -19 trên thế giới hiện vẫn diễn biến phức tạp, việc sản xuất vắc xin là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia để ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường. Bộ Y tế nước ta đã tổ chức hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam.

Hiện có 4 nhà sản xuất trong nước gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược NANOGEN đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng đến cuối năm 2020 sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

COVID-19 sáng 23/7: Việt Nam không ghi nhận thêm ca dương tính, thế giới vượt 15 triệu ca nhiễm

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 23/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 15.341.253 ca, trong đó có 625.077 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 9.327.811 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  63.588 ca và 5.388.365 ca đang điều trị tích cực.

 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila,Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila,Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/7, thế giới có 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (65.159 ca), Brazil (60.982) và Ấn Độ (45.599 ca); trong khi Brazil (1.174 ca), Ấn Độ (1.120 ca), Mỹ (1.091 ca) và Mexico (915 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Hiện nay, Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba ổ địch nghiêm trọng nhất thế giới với liên tiếp các số liệu kỷ lục bị phá.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương