COVID-19 xóa sổ 1.200 tỷ USD doanh thu và 120 triệu việc làm trong ngành du lịch

Liên hợp quốc dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ thiệt hại 1.200 tỷ USD và 120 triệu việc làm trong ngành du lịch gặp rủi ro vì COVID-19.

Hãng thông tấn RT của Nga đưa tin, Liên hợp quốc công bố số liệu về sức tàn phá của COVID-19 đối với du lịch toàn cầu, gây thiệt hại 1.200 tỷ USD và khiến 120 triệu việc làm trong ngành du lịch gặp rủi ro.

Liên hợp quốc dự đoán rằng, số lượng khách du lịch quốc tế có thể giảm từ 58% đến 78% vào năm 2020 so với năm ngoái. Theo tính toán của họ, một "cú sốc lớn" đối với ngành dịch vụ này, vốn chiếm phần lớn doanh thu của một số quốc gia, có thể dẫn đến sụt giảm từ 850 triệu đến 1,1 tỷ khách du lịch quốc tế.

“Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế giảm hơn một nửa và khoảng 320 tỷ USD doanh thu từ du lịch bị mất”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết. Những thiệt hại này lớn gấp 3 lần những gì ngành du lịch đã mất trong toàn bộ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. 

COVID-19 đẩy 120 triệu lao động ngành du lịch vào cảnh rủi ro. Ảnh: STVC
COVID-19 đẩy 120 triệu lao động ngành du lịch vào cảnh rủi ro. Ảnh: STVC

Tổ chức này cảnh báo rằng cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người làm việc trong lĩnh vực du lịch, cuộc khủng hoảng chưa từng có đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Do đó, 100 triệu đến 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch có thể bị xóa sổ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch có thể tăng hơn 20%.

Du lịch đã là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm, Liên hợp quốc cho rằng, doanh thu từ du lịch giảm mạnh sẽ dẫn đến giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Kịch bản “lạc quan nhất” cũng khó né được viễn cảnh GDP toàn cầu sẽ giảm 1.170 tỷ USD, tương đương 1,5%. Trong trường hợp đình trệ kéo dài lên đến 8 tháng, thiệt hại sẽ tăng lên 2.220 tỷ USD, tương đương 2,8% GDP.  

Đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch toàn cầu rơi vào bế tắc từ tháng 3/2020, khi hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của loại virus đã giết chết hơn 820.000 người.

Máy bay của nhiều hãng hàng không chịu cảnh đắp chiếu trong thời gian dài. Ảnh: Getty
Máy bay của nhiều hãng hàng không chịu cảnh đắp chiếu trong thời gian dài. Ảnh: Getty

Một số hãng hàng không đang vật lộn để tồn tại trong đại dịch ngay cả khi có sự giúp đỡ tài chính từ các chính phủ. Dù thế, các hãng vẫn thừa nhận họ không nhìn thấy gì về tương lai trước bối cảnh COVID-19 đang còn quanh quẩn.

Đầu tuần này, cả American Airlines và Delta đều thông báo cắt giảm thêm việc làm. Trong khi Delta dự kiến sẽ tăng thêm 1.941 phi công vào mùa thu này, American Airlines cho biết lực lượng lao động của họ sẽ giảm 19.000 vào tháng 10 tới, khi các biện pháp bảo vệ gắn với kích thích liên bang hết hiệu lực.

Sau tất cả những lần nhân viên thôi việc tự nguyện và các đợt cắt giảm khác, American Airlines dự kiến sẽ còn 100.000 công nhân trong vòng chưa đầy hai tháng, giảm so với 140.000 công nhân mà hãng đã tuyển dụng vào tháng 3.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương