"Cuộc chiến" mì gói: Tranh giành thị phần từ cửa hàng tạp hóa đến siêu thị (bài 1)

Với quy mô thị trường lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, mì gói trở thành “miếng bánh” béo bở và nóng bỏng trong cuộc chiến giành thị phần.

Cuộc chiến giành thị phần

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, mì ăn liền là ngành hàng có vị thế quan trọng trong rổ hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng Việt Nam, và là ngành hàng lớn nhất hiện nay.

Anh Thành Trung tiểu thương chợ Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM) chuyên bán sỉ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho biết, bên cạnh các mặt hàng: sữa, bánh kẹo, bột ngọt, bột nêm, nước mắm... thì mì gói luôn chiếm số lượng bán sỉ lớn nhất. Mỗi ngày anh bán sỉ hơn 100 thùng mì cho các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ với hàng chục thương hiệu mì.

Với những tính tiện ích của mì gói và giá thành vô cùng rẻ giúp mì gói tiêu thụ ngày càng mạnh.
Với những tính tiện ích của mì gói và giá thành vô cùng rẻ giúp mì gói tiêu thụ ngày càng mạnh.

PV ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán lẻ trên đường số 4 (quận Bình Tân) hay đường Võ Văn Vân (quận  Bình Tân) thì việc bán mì gói lợi nhuận không nhiều. Chị Thanh Hải (52 tuổi. quận Bình Tân) chủ tiệm tạp hóa cho biết: “Mỗi gói mì bán ra lời khoảng 200 đồng, bán hết thùng mì 30 gói lời chỉ được 6.000 đồng. Lợi nhuận không bao nhiêu nhưng đây là mặt hàng có sức mua cao. Mỗi ngày, tôi bán được trên 2 thùng mì với lại các nhà sản xuất cũng đề ra mức thưởng cuối năm nếu đạt doanh thu”.

Còn ở một số tiệm tạp hóa chuyên bỏ sỉ, một số nhà phân phối muốn sản phẩm bán chạy hơn thì họ sẵn sàng tài trợ các kệ trưng bày có tên, logo thương hiệu của mình với giá từ vài triệu đồng trở lên và yêu cầu người bán phải giới thiệu sản phẩm của mình thường xuyên đến người mua. Sản phẩm phải đặt ở vị trí trung tâm mà bất cứ khách hàng nào ra, vào cũng thấy. Đây là một hình thức cạnh tranh của các thương hiệu mì để họ đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng.

Còn ở các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, VinMark hay Lotte không khó để nhận thấy sự đa dạng của mặt hàng này. Ba dãy hàng dài khoảng 30m chỉ để trưng bày chật cứng các loại mì ăn liền và nơi đây luôn tập trung đông đúc lượng khách đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. 

Giá mì ăn liền tại siêu thị tiện lợi trung bình từ 3.500-7.100 đồng/gói.
Giá mì ăn liền tại siêu thị tiện lợi trung bình từ 3.500-7.100 đồng/gói.

Tại hệ thống siêu thị E-mart trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), trong khoảng thời gian cao điểm từ 18h-20h là lúc khu vực mặt hàng mì gói đông người nhất. Trong vòng 30 phút thì có khoảng 30-40 người ghé qua gian hàng mì gói, mỗi lượt người mua chọn từ 3 gói đến một thùng mì trở lên.

Theo như quan sát, cứ khoảng 10 người ghé mua mì thì phải hết 8 người chọn mua mì Hảo Hảo của thương hiệu Acecook bởi không gian trưng bày của các thương hiệu này lớn, đa dạng mùi vị, kiểu dáng và một phần là do giá rẻ chỉ từ 3.000-5.000 đồng/gói phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Theo tiết lộ của một nhân viên siêu thị, thì vị trí trưng bày mì gói của các ông lớn có số lượng mua nhiều sẽ được ưu ái hơn và luôn được xếp nằm ngay trung tâm. Ví dụ như thương hiệu Acecook được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng có doanh số bán chạy nhất nên sẽ chiếm hơn hơn một nửa kệ trưng bày của tất cả các loại mì còn lại. 

Kính thưa các thể loại mì

Theo số liệu từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), ước tính trong năm 2018 người Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỉ gói mì ăn liền. Với con số này, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ mì gói trong năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản. Con số trên đã phần nào phản ánh thói quen tiêu dùng đối với mì ăn liền của người Việt hiện nay.

Nguyễn Đức Thanh – Sinh viên Sài Gòn Tourist (quận Tân Bình TP.HCM) chia sẻ: “Phòng tôi luôn có thùng mì Hảo Hảo dùng để ăn sáng hay ăn tối khi đói, những bạn cùng phòng cũng thích loại mì này vì khẩu vị chua cay của mì và giá cũng rẻ. Tôi bị bệnh ghiền mì từ nhỏ; lúc ở nhà với gia đình, cũng hay bị mẹ mắng vì tội ăn mì thay cơm. Nhưng thấy tôi thích ăn mì nên mẹ thường thêm thịt bò, tôm hay mực cùng rau củ vào tô mì để đủ chất dinh dưỡng”.

Cẩm Tú (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 3, TP.HCM) cho biết: “Không chỉ ở nhà mà ngay cả ở cơ quan mình cũng dự trữ mì gói, thường là dạng mì ly vì nó tiện dụng. Hôm nào làm biếng ăn trưa thì chế mì ăn cho đỡ đói”.

Mặc dù biết mì gói ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người dân, đặc biệt là sinh viên vẫn tiếp tục tiêu thụ.
Mặc dù biết mì gói ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người dân, đặc biệt là sinh viên vẫn tiếp tục tiêu thụ.

Việc sản lượng tiêu thụ mì gói tăng mỗi năm đã đem lại doanh thu khủng cho các nhà sản xuất mì trong và ngoài nước. Đó là lí do vì sao các công ty sản xuất mì liên tục ra sản phẩm mới từ phân khúc trung bình 2.000-5000 đồng/gói đến phân khúc cao cấp và mì nhập từ vài chục thậm chí hàng trăm ngàn đồng với đủ mẫu mã từ gói mì đến mì ly, mì tô…

Bên cạnh các loại mì ăn liền theo kiểu truyền thống (tức mì chiên chế nước sôi), các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn tung ra thị trường các loại mì chua cay, mì khoai tây, mì xào, mì không chiên, mì spaghetti… Đồng thời, không chỉ còn đơn giản một vị đơn điệu, mà để tạo sự khác biệt, hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn sản xuất các loại mì với nhiều hương vị, gia vị khác nhau.

* Còn tiếp...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương