Đầu giờ chiều 26-1, mạng xã hội lan truyền tấm ảnh chụp chiếc xe cấp cứu 115 với các cán bộ y tế được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM).
Tấm hình được chia sẻ trên mạng với tốc độ vũ bão, mang nội dung cảnh báo “chắc nịch” kiểu virus corona đã lây lan nhanh tại TPHCM. Dư luận một phen hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra. Trong khi sự thật, bệnh nhân trong bức hình này chỉ bị…rối loạn tiêu hoá, và bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM khẳng định, việc cho nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với các đối tượng có nghi ngờ liên quan đến virus corona trong thời điểm này là hoàn toàn cần thiết.
Trước đó, hàng loạt thông tin như: 13/14 nước đã đóng cửa biên giới với Trung quốc, 2 cha con người Trung quốc đang bị nhiễm virus Corona và điều trị ở BV Chợ Rẫy đã chết, Việt Nam vẫn tiếp tục các chuyến bay đến Vũ Hán... lần lượt được nhiều facebooker, trong đó có nhiều người nổi tiếng chia sẻ lại mà không cần kiểm chứng. Tất cả đều là fake news (tin vịt) nhưng có mức độ lan truyền khủng khiếp và gây bất an cho người dân, đè bẹp những thông tin chính thống.
Nhiều người đang bị tiếp thêm nỗi hoang mang, sợ hãi. Thậm chí, các trang mạng còn vẽ ra một loạt thảm hoạ, ngày tận thế hệt như…xi nê. Nhiều trang bán hàng còn cố tình suy diễn để câu view hòng đạt được mục đích của mình.
Theo hãng tin Reuters, ông Ma Xiaowei, đại diện Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thừa nhận khả năng số lượng người nhiễm virus corona mới sẽ tiếp tục tăng lên. Tính đến ngày 26-1, hơn 2.000 người ở Trung Quốc đã nhiễm virus corona, trong đó 56 trường hợp đã tử vong.
Rõ ràng, virus corona Vũ Hán là một dịch bệnh đáng lo ngại. Rất nhiều phương án phòng chống dịch bệnh này được chính phủ Việt Nam triển khai. Tuy nhiên, mức độ thông tin cho người dân được tỏ tường lại rất mờ nhạt và chậm chạp, kiểu các cơ quan báo chí hỏi đến đâu thì trả lời đến đó, đa số không mang tính chính thống. Đơn cử như thông tin về các chuyến bay của hãng hàng không Vietjet đến Vũ Hán, không thấy Cục Hàng không thông tin kịp thời, bởi lúc này, thông tin từ đại diện của một hãng hàng không sẽ không thể tạo niềm tin cho người dân .
Người dân đang rất cần thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, với những lý giải thuyết phục và nhanh chóng nhất để fake news không thể hoành hành.
Từ hôm nay, Trung quốc ban hành lệnh tất cả các dịch vụ tour nhóm đi nước ngoài, bao gồm khách sạn và vé máy bay, từ các công ty du lịch Trung Quốc sẽ bị hủy. Vũ Hán đã “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và Cục Hàng không Việt Nam đã cấm các chuyến bay chở khách đi, về TP ổ dịch này. Các tỉnh thành đều lên phương án phòng chống dịch.
Phòng ngừa rất cần thiết, cảnh giác không thừa. Bệnh dịch đang rất phức tạp và thông tin khá nhiễu loạn. Người dân không nên hoang mang trước những thông tin không rõ ràng, thiếu khoa học về căn bệnh này trên mạng xã hội.
Có lẽ cách tốt nhất là mọi người chắt lọc thông tin xác đáng, tự phòng bệnh theo hướng dẫn có khá nhiều trên các kênh thông tin đại chúng như: tuân thủ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang và tự cách ly khi có vấn đề về hô hấp… Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời…
Lúc này, tỉnh táo, bình tĩnh có lẽ cần thiết hơn hoảng loạn! Bởi bên cạnh mọi người là các y bác sỹ, các cán bộ kiểm tra dịch bệnh, an ninh cửa khẩu… những người đầu tiên tiếp cận với mầm bệnh đang căng mình vào trận. Đừng khiến họ phải vất vả hơn!
Đối phó virus corona, Vũ Hán xây bệnh viện 1.000 giường trong 6 ngày
Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đang thi công khẩn cấp một bệnh viện dã chiến quy mô 1.000 giường để điều trị cho bệnh nhân viêm phổi do nhiễm virus corona.