Chiều 9/12, đại diện Grab đã làm việc với Tổng cục Thuế về những vướng mắc liên quan đến cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ theo Nghị định 126.
Kết thúc buổi làm việc, Grab tuyên bố "hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào". Vì "Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT".
Bên cạnh đó, đại diện Grab cũng cho rằng "Tổng cục Thuế đã không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán, khi khẳng định tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab, và không phải chịu thuế VAT cho khoản doanh thu của mình".
Ngược lại, Tổng cục Thuế lại khẳng định đã giải thích rõ cho Grab về Nghị định 126 không có thay đổi về chính sách thuế VAT.
Các tài xế công nghệ Grab tắt ứng dụng và diễu hành tại một số khu vực ở TP.HCM và Hà Nội để phản đối chiết khấu thuế VAT của Grab. Ảnh: Trương Kính |
Thực tế, theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể. Theo đó, phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT là 10%, còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe 2 bánh phải chịu mức thuế 3%, theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
Cơ quan thuế khẳng định Grab được xác định là đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, do giữ vai trò quyết định về giá cước, chính sách với khách hàng, đơn vị này cũng chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng. Do vậy, Grab phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực, bao gồm nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp, nếu có.
Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá nhân, thuộc Tổng cục Thuế khẳng định quy định tại Nghị định 126/2020 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế, không làm tăng giá cước vận tải, do mức thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng với dịch vụ vận tải không thay đổi.
Cụ thể, các tổ chức kinh doanh có hợp tác với cá nhân sẽ phải kê khai thuế giá trị gia tăng và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu, theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.
Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Như vậy, các tài xế công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm chỉ phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân với mức 1,5% tính trên tổng doanh thu. Còn Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế.
Cơ quan thuế cho biết thêm Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126/2020 dẫn tới phải điều chỉnh tăng giá cước từ 8% đến 18% với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng.
Tuy nhiên, phía Grab nói văn bản trên của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế VAT. Tổng cục Thuế đang muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức.
Grab cho biết bất đồng quan điểm này và Nghị định 126 chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế, còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế-chịu thuế VAT thì phải căn cứ vào Luật Thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, Grab tỏ ra "quan ngại" với cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế. Grab nói thêm điều này không phù hợp với Luật thuế VAT.
Kết thúc buổi làm việc, Grab khẳng định vẫn tiếp tục tuân thủ chặt chẽ Nghị định 126, Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp này mong muốn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và đối tác tài xế của Grab.
Theo quy định của Nghị định 126, kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các cá nhân. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh, thay vì mức thu 3% trên phần doanh thu được nhận như hiện nay. Sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, Grab tăng tỷ lệ chiết khấu tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế. Theo đó, tỷ lệ chiết khấu tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike từ 20% lên 27,273%. Đối với tài xế GrabCar, chiết khấu trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% với tài xế trước đây chịu phí ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Grab cũng thông báo điều chỉnh tăng giá cước GrabBike cơ bản trên toàn quốc ở mức 6% để bù mức thuế VAT. Cụ thể, giá cước của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km, giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Việc tăng cước để bù vào mức tăng thuế sẽ làm giảm thu nhập của tài xế GrabBike khoảng 1-2%/năm. Do đó, ngày 7/12, nhiều tài xế Grab đã tắt ứng dụng, tập trung tại văn phòng của Grab tại Hà Nội và TP.HCM để phản đối chính sách mới của doanh nghiệp này. Chiều 10/12, đại diện Grab sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các đối tác tài xế của công ty để làm rõ về mức chiết khấu thuế VAT mới. |