Đại sứ Trung Quốc được bầu làm thẩm phán Tòa Luật Biển Quốc tế gây tranh cãi gay gắt

Chuyên gia cho rằng đây là "tuyên bố nước đôi" xét theo hành xử của Bắc Kinh trước đây.

Giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, một nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn được bầu làm thẩm phán Tòa Luật Biển Quốc tế (ITLOS). Người này là ông Đoàn Khiết Long, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, là một trong 6 thẩm phán mới được bầu tại kỳ họp của 168 nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 tại New York hôm 24/8. Ông Đoàn nhận được 149/168 phiếu.

Ông Đoàn Khiết Long, đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Ảnh: SCMP.
Ông Đoàn Khiết Long, đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Ảnh: SCMP.

Trước cuộc bỏ phiếu, Mỹ đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với ứng viên Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông. 

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 25/8 nói Trung Quốc luôn ủng hộ ITLOS: "Tôi tin rằng các thẩm phán mới được bầu sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công chính và đóng góp cho tòa án cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển".

Học giả Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc đã đưa ra "tuyên bố nước đôi". Cách đây 4 năm, Trung Quốc từng cáo buộc một thẩm phán Sri Lanka thiên vị vì ông kết hôn với một người Philippines. Thẩm phán Sri Lanka đã phải rút lui.

"Trung Quốc tấn công chủ tịch của ITLOS, người bổ nhiệm các thẩm phán cho tòa trọng tài, bằng những lời lẽ thô thiển về chủng tộc vì ông là người Nhật", ông Carl nói. 

Bắc Kinh cũng đã tấn công các thẩm phán khác được bổ nhiệm vào tòa trọng tài dựa trên quốc tịch của họ. Các thẩm phán này đến từ châu Âu, châu Phi và Trung Quốc cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn vì không biết gì về tình hình châu Á. Trong khi Tòa trọng tài này được thành lập theo UNCLOS, thuộc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) - một cơ chế giải quyết tranh chấp khác.Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của PCA trong vụ việc, không tham gia quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết tòa đưa ra vào năm 2016.

Cuộc bỏ phiếu ngày 24/8 cũng chọn ra 5 thẩm phán khác đến từ Malta, Italy, Chile, Cameroon và Ukraine. Một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức để quyết định ghế cuối cùng giữa 2 ứng viên Jamaica và Brazil.

Đây không phải lần đầu tiên ITLOS có thẩm phán là người Trung Quốc nhưng Mỹ lần này chỉ trích mạnh mẽ ứng viên của Bắc Kinh. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á nhấn mạnh: "Việc bầu chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê người phóng hỏa về điều hành sở cứu hỏa".

"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia liên quan đến cuộc bầu chọn của tòa quốc tế đánh giá cẩn thận các tiêu chuẩn của ứng viên Trung Quốc và xem xét liệu một thẩm phán của Trung Quốc tại tòa án sẽ thúc đẩy hay cản trở luật biển quốc tế. Với cách hành xử của Bắc Kinh, câu trả lời hẳn đã rõ".

Ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại những lo ngại này, đồng thời yêu cầu tài trợ cho một nhóm đặc biệt tại Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các cơ quan và tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc.

Dù đã ngăn chặn thành công ứng viên của Trung Quốc tham gia cơ quan của Liên Hợp Quốc nhưng Mỹ lại không thể làm làm điều đó trong trường hợp ITLOS. Mỹ không được phép đề cử ứng viên cho bất kỳ vị trí nào trong tòa án vì chưa phê chuẩn UNCLOS. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là đại diện duy nhất từ châu Á tham gia cuộc bầu cử này. 

Giáo sư Thayer cho rằng ứng viên Trung Quốc được bầu chọn cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh. Theo Thayer thì ông Đoàn Khiết Long "sẽ không có tư cách xét xử bất kỳ vụ án nào liên quan đến Trung Quốc nhưng có thể tham gia các quá trình pháp lý liên quan đến các nước thành viên ASEAN".

Ông Đoàn có bằng thạc sĩ luật và từng học tại trường luật Đại học Columbia. Ông từng là đại sứ Trung Quốc tại Singapore và làm việc tại Vụ Điều ước và Luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những năm 2000, khi Trung Quốc và ASEAN thông qua Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Kể từ khi ITLOS ra đời năm 1996, Trung Quốc từng có 3 người ngồi ghế thẩm phán của tòa trong các giai đoạn 1996-2000, 2001-2007 và 2008-2020. Nhiệm kỳ 9 năm của ông Đoàn sẽ bắt đầu vào ngày 1/10.

Thanh Mai

Chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước được Hà Nội mua như thế nào?

Chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước được Hà Nội mua như thế nào?

Redoxy-3c được Hà Nội đặt riêng Watch Water sản xuất sau khi mời công ty Watch Water đến khảo sát, phân tích hiện trạng hồ trên địa bàn.