Dân Hà Nội có nguy cơ phải mua nước sạch đắt hơn gấp nhiều lần?

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh giá nước.

Giá nước của nhà máy nước sông Đuống đắt gấp đôi nhà máy nước sông Đà

Trước đây, theo Quyết định 38 của Thành phố Hà Nội ban hành năm 2013, giá nước sinh hoạt tăng trong 3 năm liên tiếp từ 2013 – 2015, mỗi năm tăng một lần. Cụ thể giá nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3.

Mức giá này duy trì từ 2015, tuy nhiên từ việc mua nước của nhà máy sông Đuống đang ngày càng cho thấy khả năng tăng giá nước sạch sẽ xảy ra. Trên thực tế nhà máy sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà là hai đơn vị bán sỉ nước lớn nhất hiện nay tại Hà Nội. hai đơn vị đều xử lý nước sạch khu vực sông Đuống và sông Đà để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên mức giá chênh lệch của hai đơn vị này khá cao.

Mức giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tính đến năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT), không nằm ngoài lộ trình tăng nước tối đa và quy định của Bộ tài chính. Mức giá này cao hơn nhiều lần so với nhà máy nước sạch sông Đà.

Nhà máy nước sạch sông Đuống được khởi công năm 2016, tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm và tổng đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. Mặc dù dự án đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện và cấp nước nhưng Tp. Hà Nội khi đó đã ra văn bản mua nước với giá gấp 2 lần so với một số nhà cung cấp nước khác.

Nhà máy nước sông Đuống đưa ra mức giá nước sạch đắt hơn nhà máy nước sông Đà
Nhà máy nước sông Đuống đưa ra mức giá nước sạch đắt hơn nhà máy nước sông Đà

"Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện", văn bản do Phó chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký nêu rõ.

Trong khi đó, theo quyết định đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án giá thành sản xuất và giá buôn nước sạch, phương án bù giá của Công ty nước sạch sông Đà ở các mức sau: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng. Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.

Như vậy, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chưa bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch sông Đuống. Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3, vẫn có lãi từ mức giá này.

Điều chỉnh mức giá ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt của người dân?

Tháng 6/2019, Hà Nội họp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần Viwaco (đây là các đơn vị mua buôn nước của rồi phân phối bán lẻ cho người dân Hà Nội) để xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Nhà máy sông Đuống với  mức giá tạm tính là 10.000/m3 sẽ xảy ra tình trạng gặp áp lực về tài chính vì phải bù giá. Nếu kéo dài, việc bù giá này có thể gây thâm hụt lượng tiền ngân sách của Hà Nội. Đại diện nhà máy sông Đuống đưa ra lời giải thích như sau: “Tính đến nay, nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính”. Như vậy theo đại diện này, xảy ra việc mức giá nước sạch cao là do phải chi trả phần chi phí kéo đường ống đi nhiều quận huyện.

Dân Hà Nội có nguy cơ phải mua nước sạch đắt hơn gấp nhiều lần?

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đường ống sông Đà về Hà Nội dài hơn 60km, chiều dài này bằng với đường ông sông Đuống, trong khi dự án đầu tư của sống Đuống ở đồng bằng tốn ít chi phí hơn. Các hợp phần của đường ống đều nằm trong tính toán ban đầu của doanh nghiệp, không phải yếu tố phát sinh vì vậy không có chuyện bán nước làm thêm đường ống và tăng giá so với ban đầu.  

Đồng thời chuyên gia cho biết, cần làm rõ cơ câu giá thành sản xuất và phân phối. Ví dụ một mét khối nước sản xuất tại chỗ là hơn 1.000 đồng trong khi vận chuyện lại lên đến 9.000 đồng/khối, đây không phải là một giải thích hợp lý.

Trong đầu năm 2019, Sở Tài chính Hà Nội đã xem xét về điều kiện bù giá nước cho công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và công ty CP Viwaco (thuộc VINACONEX). Tuy nhiên cả hai đều mua nước của sông Đà phụ vụ người dân như bình thường, chuyện phải mua thêm nước giá đắt của sông Đuống đang còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. 

Có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc tăng mức giá của nước sạch sinh hoạt cụ thể là: Nếu hai đơn vị này mua nước của sông Đuống, người dân sẽ phải chịu mức giá nước sinh hoạt là bao nhiêu? Liệu ngân sách nhà nước có phải bù lỗ cho việc này hay không? Việc xem xét tăng giá có phải do sức ép từ việc mua nước của nhà máy sông Đuống không? Tất cả cần phải có báo cáo cụ thể của các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý cũng như Sở tài chính Hà Nội.  

Thanh Mai

Người dân Hà nội kéo nhau mua nước sạch,Saigon Co.op huy động gấp hàng nghìn lốc nước đóng chai vẫn cháy hàng

Người dân Hà nội kéo nhau mua nước sạch,Saigon Co.op huy động gấp hàng nghìn lốc nước đóng chai vẫn cháy hàng

Trước nhu cầu nước sạch của người dân Hà Nội tăng một cách đột biến, Saigon Co.op phải huy động hàng nghìn lốc nước đóng chai cung cấp cho người dân.