Trong số những biện pháp khắc nghiệt nhất được áp dụng là quyết định bịt kín đường biên giới vốn đã bị hạn chế với Trung Quốc. Mặc dù quyết định đóng cửa đường biên giới Trung-Triều là nhằm phòng ngừa bùng phát dịch COVID-19 tiềm tàng, song nó cũng báo hiệu một sự bất ổn khác: bất ổn về kinh tế.
Đài BBC dẫn nguồn truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ trích các quan chức hàng đầu về những sai sót dẫn đến “cuộc khủng hoảng lớn” (không rõ có liên quan đến COVID-19 hay không). Đây là dấu hiệu hiếm hoi cho thấy mức độ trầm trọng của đại dịch ở Triều Tiên, quốc gia trước đây khẳng định rằng không có ca nhiễm COVID-19 nào - một tuyên bố bị các chuyên gia hoài nghi.
Ông Kim Jong-un trước đó thừa nhận tình trạng lương thực “căng thẳng” và yêu cầu người dân chuẩn bị cho hậu quả “tồi tệ nhất từ trước đến nay”, so sánh với nạn đói chết người vào những năm 1990 của đất nước.
Theo bài viết trên trang nationalinterest.org, trong bài phát biểu trước Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4, ông Kim Jong-un đã cảnh báo về một cuộc “Cuộc hành quân gian khổ” - cụm từ từng được sử dụng để mô tả giai đoạn xảy ra nạn đói tại Triều Tiên vào thập niên 1990. Ước tính đã có khoảng từ vài trăm nghìn đến 2 triệu người thiệt mạng trong “Cuộc hành quân gian khổ” này.
Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu của ông Kim Jong-un trong cuộc họp đặc biệt với các lãnh đạo đảng, trong đó ông đã cáo buộc các quan chức cấp cao về sự tắc trách trên.
Hiện chưa rõ những quan ngại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ liên quan đến những khó khăn kinh tế sắp tới đây hay là về một nạn đói thực sự. Một số suy đoán rằng ông dùng cách nói này để một lần nữa đổ lỗi cho Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) về những khó khăn kinh tế của đất nước. Một số ý kiến khác cho rằng ông Kim Jong-un đang thổi phồng tính nghiêm trọng của tình hình để xin cứu trợ nhân đạo.
Theo nationalinterest.org, cả 2 suy đoán này đều có cơ sở và đây là một nỗ lực rõ ràng của Kim Jong-un nhằm đánh lạc hướng dư luận trước sự quản lý yếu kém để đổ lỗi cho một nhân tố bên ngoài.
Dù việc Kim Jong-un sử dụng cụm từ “Cuộc hành quân gian khổ” có phải là một sự phóng đại hay không, thì vẫn có những chỉ dấu về nạn đói từng xuất hiện trong “Cuộc hành quân gian khổ” trước kia, nhưng hiện lại chưa thể quan sát được do Triều Tiên đã đóng cửa với toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Thứ nhất, những vụ đào tẩu khỏi Triều Tiên đang ở mức thấp kỷ lục. Theo Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, chỉ có 229 người tị nạn Triều Tiên được tái định cư tại Hàn Quốc trong năm 2020, giảm từ mức trung bình là 1.000 người hoặc hơn mỗi năm tính từ giai đoạn “Cuộc hành quân gian khổ”.
Dòng người tị nạn trong giai đoạn nạn đói những năm 1990 là chỉ dấu cho thấy các điều kiện sống rất tồi tệ. Nguyên nhân chủ yếu của sự giảm sút đáng kể các vụ đào tẩu là do chế độ thắt chặt an ninh ở biên giới, trong đó áp dụng cả sắc lệnh bắn chết bất kỳ kẻ nào cố đào tẩu.
Những người đào tẩu chính là nguồn tin quan trọng về các điều kiện sống bên trong đất nước Triều Tiên. Nếu không có những lời khai của họ, sẽ rất khó để thấy rõ được mức độ tồi tệ của tình hình bên trong đất nước này cũng như biết được liệu có phải nạn đói đang hoành hành ở đó hay không.
Thứ hai, những nguồn thông tin tại Triều Tiên hiện còn bị hạn chế hơn so với bình thường bởi các nhân viên làm công tác cứu trợ nhân đạo tại đất nước này hiện đã rời đi. Tính đến tháng 3 vừa qua, tất cả các nhân viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và những người lao động xa xứ đều đã rời khỏi Triều Tiên, tính cả 2 nhân viên cuối cùng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
Do truyền thống quản lý kém các nguồn tài nguyên của chế độ - chi gần 1 tỷ USD vào chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 2019 và hàng trăm triệu USD vào những hàng hóa xa xỉ mỗi năm – nên có thể suy đoán rằng hầu hết những nhu cầu cơ bản của người dân Triều Tiên đều không được đáp ứng.
Thứ ba, do đường biên giới Trung-Triều hiện đang bị đóng, các hoạt động thị trường tự do cũng bị cắt đứt. Các khu chợ không chính thống (jangmadang), phải phụ thuộc vào thương mại liên biên giới không chính thức với Trung Quốc để tiếp cận các nguồn thực phẩm, tiền bạc, và tiếp cận với thông tin bên ngoài.
Khác với những thời điểm trước đây khi dân thường Triều Tiên có thể hối lộ lính biên phòng để sang Trung Quốc, sự siết chặt an ninh của chế độ Kim tại biên giới lần này khiến người dân không dám làm điều này do lo sợ nguy cơ bị lây COVID-19 khi trở về.
Chính sách bắn đến chết không chỉ quá tàn bạo mà còn gây tổn hại về kinh tế. Một ước tính của chuyên gia về Triều Tiên Andrei Lankov cho biết các hoạt động tại thị trường không chính thức của Triều Tiên có thể đóng góp tới 30-50% GDP của nước này.
Việc không thể duy trì các hoạt động thị trường còn làm tồi tệ thêm tình trạng mất an ninh lương thực không tính xuể đối với người dân Triều Tiên. Mỹ và cộng đồng quốc tế vì vậy nên theo dõi chặt chẽ các thông tin đáng tin cậy từ trong nước này để thấy được các dấu hiệu chứng tỏ nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra.
Bản tin của KCNA do BBC trích dẫn sau đó nói thêm rằng một số thành viên của đảng đã bị triệu tập - bao gồm một thành viên từ Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị - gồm 5 thành viên, tính cả ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, tin tức không cho biết thêm chi tiết về vụ việc cũng như danh tính của các quan chức.
Nhà nghiên cứu và cũng là một người đào tẩu khỏi Triều Tiên Ahn Chan-il nói với Hãng tin AFP rằng bản tin này cho thấy Triều Tiên có vẻ đã ghi nhận ca mắc COVID-19.
Ahn Chan-il phân tích: “Đó cũng là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có lẽ đang cần sự viện trợ quốc tế. Nếu không thì họ đã không làm thế này vì chắc chắn nó bao hàm việc thừa nhận sự thất bại của chính chế độ trong nỗ lực chống dịch”.
Bác sĩ Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nữ Ewha, Seoul, cho biết bản tin là dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe “đang ngày càng xấu đi” trong lòng Triều Tiên.
Ông Easley nói: “Kim Jong-un có thể sẽ tìm vật tế thần cho sự việc, thanh trừng các quan chức không trung thành và đổ tội lên những sai sót trong tư tưởng của họ. Điều này có thể cho Bình Nhưỡng thêm lý do để tăng cường việc cấm túc người dân đi lại, nhưng cũng có thể là động thái chính trị cho việc chấp nhận vaccine từ nước ngoài”.
Theo Đài BBC, các tổ chức viện trợ đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực nghiêm trọng. Nhiều tin về giá lương thực tăng vọt, cũng như số người chết vì đói và số người xin ăn gia tăng đã nổi cộm gần đây.
(Nguồn: TTX/BBC)