Giá dầu đang hướng tới mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 3 mặc dù đã tăng vào đầu phiên giao dịch hôm 6/10, do lo ngại ngày càng tăng rằng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và hạn chế nhu cầu nhiên liệu.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều tăng lên mức cao nhất năm 2023 vào tuần trước, nhưng dầu Brent đã giảm 11,8% và dầu WTI giảm khoảng 8,8% trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10, hợp đồng dầu thô tương lai Brent tăng 51 xu lên 84.58 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô tương lai WTI tại Mỹ tiến 48 xu lên 82.79 USD/thùng.
"Giá dầu đang ổn định sau một tuần tàn khốc chứng kiến tình trạng bán tháo không ngừng trên thị trường trái phiếu gây ra lo ngại về tăng trưởng toàn cầu", Edward Moya, nhà phân tích tại OANDA, cho biết.
Mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư trái phiếu xung quanh chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, đang góp phần gây ra đợt bán tháo mạnh khiến giá trái phiếu kho bạc xuống mức thấp nhất trong 17 năm.
Moya cho biết "tuần tồi tệ nhất đối với dầu thô kể từ tháng 3 đang bắt đầu thu hút người mua do thị trường dầu vẫn thắt chặt trong ngắn hạn".
Cuộc họp trong tuần này của hội đồng bộ trưởng của OPEC +, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, không có thay đổi nào đối với chính sách sản lượng dầu của nhóm.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ trong tuần này cho thấy nhu cầu xăng dầu của Mỹ giảm mạnh, trong khi dữ liệu kinh tế cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại. Một cuộc khảo sát quan trọng cho thấy nền kinh tế khu vực đồng euro có thể đã suy giảm trong quý trước, trong khi đồng đô la đắt đỏ đã hạn chế khả năng mua hàng của các nước trên thế giới.
Tâm lý của nhà đầu tư sau số liệu việc làm đã đánh đố giá dầu. Theo các nhà phân tích, một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn có thể gia tăng niềm lạc quan vào nhu cầu dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số liệu này lại đẩy đồng USD tăng và làm gia tăng kỳ vọng vào một đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2023.
Một đồng USD mạnh thường ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu, khiến hàng hóa này trở nên tương đối đắt đỏ đối với những người nắm giữ bằng các đồng tiền khác.
Được biết, Nga tuyên bố đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel đối với nguồn cung đến các cảng bằng đường ống. Các công ty vẫn phải bán ít nhất 50% sản lượng diesel cho thị trường nội địa.
(Nguồn: Reuters/CNBC)