Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long mới đây đã ký Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, góp phần đưa Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành trung tâm xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Theo đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tập trung phát triển thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học, vật liệu bán dẫn, năng lượng tái tạo... Mục tiêu đến năm 2030 là có ít nhất 85% giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 10% là giảng viên, nhà khoa học uy tín đến từ nước ngoài. Đồng thời, 25% các chương trình đào tạo sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, và trường sẽ đào tạo ít nhất 8.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ.
![]() |
Đề án cũng đặt mục tiêu năm 2030, trung bình mỗi giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội có 1,6 công bố khoa học/năm trong danh mục Web of Science, SCOPUS; toàn Đại học Bách khoa Hà Nội có số lượng sở hữu trí tuệ được công nhận trung bình đạt từ 25 đến 30 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích/năm; có từ 4 đến 6 nhóm ngành/ngành được xếp hạng trong tốp 300-500 khu vực, thế giới; có ít nhất 6 sản phẩm được thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm mạng lưới đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, ươm tạo ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp sáng tạo (start-up) gọi vốn thành công với tổng giá trị trên 10 triệu USD.
Một trong những giải pháp trọng tâm của Đề án là mở rộng không gian phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua việc đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2 tại tỉnh Hưng Yên. Việc này không chỉ giúp gia tăng diện tích và không gian học tập, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra một môi trường hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của trường trong tương lai. Cơ sở mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trọng điểm.
Ngoài ra, Đề án cũng đặt ra mục tiêu nâng cấp cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm tại trụ sở chính của Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hà Nội, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo và nghiên cứu các ngành nghề chiến lược.
Hướng đến năm 2035, Đại học Bách khoa Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất cả nước, được xếp hạng trong nhóm 100-150 trường đại học hàng đầu khu vực châu Á. Tầm nhìn này càng được củng cố với mục tiêu đến năm 2045, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành một trong 100 trường đại học hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng quốc tế trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu này, Đề án còn đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện mô hình phát triển theo hướng tự chủ, hiện đại; nâng cao năng lực nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi và công nghiệp chiến lược; đồng thời tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Với những bước đi mạnh mẽ trong việc mở rộng cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giảng viên, Đại học Bách khoa Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu tại châu Á. Đầu tư vào cơ sở 2 tại Hưng Yên là một phần không thể thiếu trong chiến lược dài hạn của nhà trường, mang lại cơ hội mới cho sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế – xã hội Việt Nam.
Sinh viên Đại học Bách khoa thắng giải công nghệ của Google với ứng dụng giúp giải tỏa căng thẳng
Nhóm 4 sinh viên của trường Đại học Bách khoa (TPHCM) trở thành nhóm sinh viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam giành giải thưởng này.