Đề xuất 2 phương án đơn giản thủ tục chứng nhận nghỉ việc cho F0

Bộ Y tế đề xuất 2 phương án đơn giản hóa thủ tục xin “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” khi mắc COVID-19.

Trước ý kiến phản ánh của người dân về những khó khăn khi xin “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” để hưởng chế độ ốm đau với người mắc COVID-19 có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết nội dung này đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để tạo thuận lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ ốm đau, Bộ Y tế đang trong quá trình sửa đổi Thông tư này.

  Giấy chứng nhận khỏi COVID-19 được trạm y tế phường thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố đến nhận và phát tại nhà cho các bệnh nhân F0 khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Giấy chứng nhận khỏi COVID-19 được trạm y tế phường thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố đến nhận và phát tại nhà cho các bệnh nhân F0 khỏi bệnh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình sửa đổi Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, xin ông cho biết, những nội dung sửa đổi nào đáng chú ý?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế ra đời trong bối cảnh thế giới và Việt Nam chưa xuất hiện dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội của nước ta trong suốt hơn 2 năm qua, trong đó tác động không nhỏ đến những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi Thông tư 56/2017 là cấp thiết để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.

Trong những nội dung cần sửa đổi, trước mắt chúng tôi ưu tiên sửa đổi, bổ sung các nội dung để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 và một số vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Sau khi sửa đổi những nội dung trên, việc xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Việc chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 là nội dung hoàn toàn mới trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện.

Tính đến ngày 7/3, Việt Nam có 4.434.700 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố. Chỉ trong 7 ngày qua (từ ngày 27/2 đến ngày 6/3, trung bình mỗi ngày, Việt Nam ghi nhận 117.379 ca mắc COVID-19. Trong số đó, có tới gần 99% số ca mắc được điều trị tại nhà. Vì vậy, nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc COVID-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội là rất cao.

Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh-Xã hội…, các vụ, cục của Bộ Y tế để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận hưởng bảo hiệm xã hội; đánh giá, thảo luận các khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đưa ra để đảm bảo quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi mắc COVID-19 mà điều trị nội trú, ngoại trú, trong đó có điều trị tại nhà.

Nếu Thông tư sửa đổi được ban hành, Chính phủ đồng ý giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận một số loại giấy tờ khác (ví dụ như Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp…) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì sẽ giảm số lượng người dân đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị được cấp giấy chứng nhận.

Việc này sẽ góp phần giảm quá tải cho hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn và một số địa phương đang có số ca mắc cao như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng. Ở những địa phương này, đang diễn ra tình trạng người mắc COVID-19 điều trị tại nhà phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để được cấp giấy này.

- Xin ông cho biết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc sớm sửa đổi thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người dân có được coi là ưu tiên hay không?

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy và phát sinh vấn đề, nhiều nội dung chưa được đưa vào Luật bảo hiểm xã hội và Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Ví dụ tại Điều 100, Luật bảo hiểm xã hội, Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc COVID-19 có hai loại giấy tờ bao gồm: bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú; trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trên thực tế, người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội và Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Và những người bệnh mắc COVID-19 điều trị tại nhà chỉ có một trong những giấy tờ sau:

1) Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp.

2) Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp.

3) Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp.

4) Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID -19 cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp.

5) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà.

6) Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung.

7) Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến.Đối chiếu với quy định của các văn bản Luật thì 7 loại giấy tờ nêu trên chưa được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Do đó, hiện nay Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin cho phép Bộ Y tế áp dụng quy định tại Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT theo trình tự thủ tục rút gọn để ban hành Thông tư trong thời gian sớm nhất có thể, đảm bảo kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Ra quyết định hết thời gian cách ly, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh cho bệnh nhân đủ điều kiện. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bộ Y tế đề xuất hai phương án giải quyết sau:

Phương án 1: Đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19.

Phương án 2: Đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ nêu trên vào Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Bên cạnh đó, để sẵn sàng triển khai thực hiện khi Thông tư được ban hành, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh quyền lợi của người lao động.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Hảo Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Giá Bitcoin hôm nay 7/3: Cập nhật giá và vốn hóa của 30 đồng tiền điện tử hàng đầu hiện nay

Giá Bitcoin hôm nay 7/3: Cập nhật giá và vốn hóa của 30 đồng tiền điện tử hàng đầu hiện nay

Cập nhật chi tiết các loại coin hàng đầu hiện nay như Bitcoin, Ethereum, BNB, Solana, Cardano, Polkadot, Dogecoin, Shiba Inu, Polygon...