Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân hàng chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước khoảng 35.880 tỷ đồng…
Không ngăn cấm giao thông, chưa phong tỏa xã hội
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Phiên họp lần này diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu với hàng vạn người bị nhiễm. Dịch đang bùng phát mạnh nhất đặc biệt ở Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ sau khi thống nhất với Chủ tịch Quốc hội đã báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và ban hành các Chỉ thị 15, 16. Chỉ thị 16 mới nhất có đặt vấn đề cách ly xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN. |
Giải thích thêm về nội dung này, Thủ tướng cho biết, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Theo đó, cách ly xã hội hàm ý là cách ly trong xã hội bao gồm: giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với các tình huống bùng phát, nguy hiểm của dịch bệnh; giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng. “Không phải ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội và hạn chế tối đa giao thông”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng chỉ rõ cần duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu đường biển, đường bộ vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó là đảm bảo hoạt động tại nhà bình thường.
Cách ly xã hội thực hiện trong 15 ngày, trong giờ vàng, ngày vàng để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng mà một số nước đã vấp phải.
“Chúng ta không kiên quyết việc này thì hậu quả sẽ khôn lường đối với sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.
60,1% ca nhiễm Covid-9 được phát hiện không có triệu chứng
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới ghi nhận 788.000 ca mắc bệnh Covid-19 tại 202 vùng quốc gia, vùng lãnh thổ, với 37.884 trường hợp tử vong. Mỹ và Italia là hai quốc gia ghi nhận hơn 100 nghìn ca mắc bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chưa có nước nào dự đoán được thời điểm kết thúc của dịch này.
Hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ mà trước đây còn do dự như: đóng cửa biên giới, cấm, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14, phong tỏa cả thành phố hay phong tỏa cả quốc gia.
Việt Nam đã ghi nhận 212 ca nhiễm Covid-19, 5 tỉnh thành phố ghi nhận có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Ninh Bình. Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tới 66 nghìn người, trong đó hơn một nửa phải cách ly tại các khu cách ly tập trung, dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố.
Theo báo An Ninh Thủ Đô, đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Báo cáo ban đầu cho thấy có tới 60,1% các ca đều không có triệu chứng, mà được phát hiện do chúng ta phát hiện sớm qua việc chủ động kiểm soát ngay từ khi nhập cảnh”.
Tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc những trường hợp nhập cảnh có mang virus nhưng chưa phát hiện lâm sàng.
Có thể trong những ngày tới, sẽ phát hiện thêm những ca trong cộng đồng. So sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20/3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các biện pháp áp dụng để phòng chống dịch của Việt Nam linh hoạt nhưng cương quyết, với phương châm dự phòng là chính nên các hoạt động bao giờ cũng cao hơn mức khuyến cáo.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, quyết liệt, phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn nguồn lây bệnh;
Tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, giám sát chặt chẽ người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; bảo đảm an toàn tối đa cho nhân viên y tế...
Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Công bố ngay gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội
Theo TTXVN, về nội dung Phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, thống nhất và công bố ngay gói hỗ trợ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân trong lúc khó khăn như hiện nay.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và Quý I/2020, Thủ tướng chỉ rõ, hạn mặn ở miền Tây Nam bộ gay gắt chưa từng có, dịch tả lợn châu Phi mới được khắc phục một cách quyết liệt, đặc biệt, giá dầu giảm sâu; dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề trên toàn cầu; trong đó có Việt Nam vì Việt Nam là nước hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; bị đứt gãy nguồn cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã phấn đấu để không gục ngã và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy vậy, sự sụt giảm sản xuất trong cả nước đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cả nền kinh tế. Do đó GDP của Quý I chỉ đạt 3,82%.
Từ tình hình này, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá khách quan, thấy rõ tình hình sụt giảm ở nhiều địa phương; nhận diện tình hình, nhất là những bất cập để có các giải pháp khắc phục trong bối cảnh khó khăn diễn ra gay gắt.
Thủ tướng cũng thông tin, mới đây Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF; hãng tin kinh tế Bloomberg đều dự báo kinh tế suy thoái trong 2020. Có nhận định tăng trưởng bằng không trên toàn cầu.
Trong bối cảnh khó khăn đó, cùng với tác động từ thiên tai trong nước, cần có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Việc tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước, tìm kiếm thị trường mới cả trong và ngoài nước cần được quan tâm, chú trọng.
Thủ tướng cũng nêu ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, khó khăn trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo; vấn đề an ninh - trật tự, tội phạm diễn biến phức tạp…
Thời gian qua,Việt Nam dã công bố gói tài chính công và tiền tệ để hỗ trợ sản xuất và đời sống. Các ngành ngân hàng, tài chính, kế hoạch, công thương, nông nghiệp đã chủ động thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng kêu gọi tinh thần đoàn kết, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn đại dịch toàn cầu.
Cùng với đó là đổi mới cách làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến, tận dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ. Đổi mới phong cách làm việc như thời chiến để nêu cao tinh thần trách nhiệm giải quyết nhanh hơn, tốt hơn những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra.
Đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo
Đăng tải trên báo An ninh Thủ đô, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Dự thảo nêu rõ, có 4 nguyên tắc hỗ trợ gồm: các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm đời sống cho người lao động; việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện.
Nội dung hỗ trợ gồm 6 nội dung: Hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng trong 3 tháng cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ 1,8 triệu/tháng trong 3 tháng cho lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập; người sử dụng lao động được vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị nghỉ việc trong 3 tháng;
Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 đối với các hộ cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng kể từ tháng 4 đến tháng 6 cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết, hợp đồng lao động mất việc làm.
Các trường hợp đủ điều kiện hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.
Bên cạnh đó, có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù, cho áp dụng quy trình đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên và cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ tiền quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân hàng chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.