Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh ở Việt Nam như thế nào?

Số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 77.000 người mắc, 30 trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Tại TP HCM, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 16.057 ca, tăng 117,3%. Số ca sốt xuất huyết nặng tích lũy đến tuần 24 là 274 ca, như vậy tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến là 1,7%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (là 0,4%). Tổng số ca sốt xuất huyết tử vong đến nay là 9 ca. Bao gồm 2 ca ở Bình Chánh, 3 ca ở Củ Chi, 1 ca ở Bình Tân, 1 ca ở Quận 11, 1 ca ở huyện Hóc Môn và 1 ca ở TP. Thủ Đức, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 373 ca sốt xuất huyết (264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các ca đang điều trị nội trú của bệnh viện, trong đó có 45 ca nặng, bao gồm 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các bệnh viện đều không còn dung dịch cao phân tử Dextran, HES 200.000 dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Bác sĩ phải thay thế bằng HES 130.000, kết hợp thêm albumin tuy nhiên hiệu quả không tối ưu như các cao phân tử Dextran và HES 200. Tình trạng này đã kéo dài từ 2021 đến nay, do nguồn cung khó khăn

CPC1 đã nhập 9.000 túi nhưng tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn sử dụng, đang chờ hủy. Tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM, tháng 5 vừa qua cũng tiêu hủy một số lượng dịch Dextran do hết hạn sử dụng.

Ngày 27/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại TP HCM. Theo kế hoạch, đoàn sẽ kiểm tra công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM, Sở Y tế và các bệnh viện liên quan cùng bàn giải pháp phòng và khống chế dịch.

Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022./.

Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid.

Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Thanh Mai

Sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội tại TP.HCM, 3 giai đoạn bệnh cần đặc biệt chú ý

Sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội tại TP.HCM, 3 giai đoạn bệnh cần đặc biệt chú ý

Trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm lên 16.057 trường hợp.