Đoàn Thị Thu Hương, người yêu say sơn mài

Nghĩ đến Đoàn Thị Thu Hương là nghĩ đến một nữ họa sĩ đầy bản lĩnh, thu hút người tiếp xúc ngay từ lần gặp đầu tiên.

Ẩn dưới bề ngoài duyên dáng, xinh đẹp và sang trọng là một nữ họa sĩ đầy bản lĩnh, một người làm quản lý văn hóa mềm dẻo, thu hút người tiếp xúc ngay từ lần gặp đầu tiên. Thường khi nghĩ đến Đoàn Thị Thu Hương, tôi đều nghĩ như vậy.

Đoàn Thị Thu Hương đã học và làm nhiều nghề liên quan đến mỹ thuật. Chị tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN), chuyên ngành sơn mài, rồi học ngoại thương, rồi học đại học tại chức Anh ngữ, và tốt nghiệp cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2005, chị cười và nói: “Mọi người bảo em là nữ hoạ sĩ có nhiều bằng cấp nhất trong Hội Mỹ thuật Việt Nam, và bây giờ nghĩ lại cũng không hiểu tại sao em lại dành hết thời tuổi trẻ để học đủ mọi thứ như vậy”, và rồi chị lại tự trả lời: “...trong gia đình đông anh em như gia đình Hương, các anh chị đều học qua đại học, nên em cũng theo nếp nhà là học và thôi”.

Bức
Bức "Định mệnh" (Sơn mài), 180x100cm, vẽ năm 2000.

Chị đã từng là Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Tổng Biên tập tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Nói chung khi làm lãnh đạo, nhiều họa sĩ ít có thời gian để vẽ. Nhưng Đoàn Thị Thu Hương thì khác, bên cạnh công việc bộn bề của Vụ Mỹ thuật, nơi đề ra những chính sách về sự phát triển của mỹ thuật, sau 8 giờ hoàn thành công việc của một viên chức, chị vẫn lặng lẽ, bền bỉ vẽ tranh sơn mài hằng đêm, và sống tốt vì bán được tranh.  

Do đặc thù và vị trí công việc ở Cục Mỹ thuật, chị đã là tác giả trang trí mỹ thuật nhiều lễ kỷ niệm lớn của Việt Nam, đó là ba kỳ đại hội Đảng: X, XI và XIII; Ba kỳ diễu binh, diễu hành trên quảng trường Lăng Bác, trong đó có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Sở dĩ chị làm tốt việc trang trí, thiết kế mỹ thuật cho những sự kiện lớn của đất nước vì chị đã may mắn được học chương trình Bauhaus năm thứ nhất tại trường ĐH MTCN, do chuyên gia Đức dạy, chị có đầy đủ kiến thức để làm công việc thiết kế này, và hoàn thành công việc một cách xuất sắc cùng nhóm cộng sự của Cục Mỹ thuật.

Chị là một trong những họa sĩ được tham gia dự án vẽ tranh trang trí cho Nhà Quốc hội (năm 2012 - 2014), Tác phẩm “Suối Yến - chùa Hương”, có kích thước lớn 11m x 6m. Bức tranh được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Và chị còn được giao nhiệm vụ sao chép bức tranh “Dọc mùng” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, (hiện lưu trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Phòng Sơn mài), có kích thước: 11m x 6m.

Cầu Long Biên (SM), 300x100cm, 2008.
Cầu Long Biên (SM), 300x100cm, 2008.

Khi chép tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, chị thán phục bậc thầy tranh sơn mài Việt Nam có kỹ thuật làm tranh sơn mài tuyệt đỉnh công phu. Đây là một dự án trang trí mỹ thuật cho Nhà Quốc hội mới, nhằm mục đích giới thiệu các tác phẩm kinh điển của các danh họa Việt Nam không chỉ với các đại biểu Quốc hội, mà với các nguyên thủ quốc gia, bạn bè quốc tế tới đây.

Khi về hưu theo đúng tuổi viên chức nhà nước, chị lao vào vẽ, chị tâm sự: “Bây giờ em mới được thỏa thích vẫy vùng, làm công việc mình say mê từ trẻ, đó là vẽ”. Sống được bằng nghề, là niềm mơ ước của số đông họa sĩ. Và chị ngoài các công việc của một viên chức, chị nhiều năm vẫn sống tốt bằng nghề.

Tôi ngạc nhiên khi đến thăm xưởng vẽ của chị, chị tự làm hàng trăm tấm vóc, tự dùng máy đánh sơn từ sơn sống sang sơn chín, chị bảo: “Hương tự đánh sơn như này thì mới đạt tới sự trong vắt của sơn, và khi vẽ sơn mài có vóc tốt, thì vẽ mới sướng. Và chất lượng của tranh sơn mài mới bền vững theo thời gian”.  

Năm 2000, chị làm triển lãm cá nhân đầu tiên tại nhà TL 16 phố Ngô Quyền - Hội MTVN, chị bày 50 bức tranh sơn mài trừu tượng, với các đề tài: Sen, đàn ông - đàn bà, được một nhà sưu tập người Anh từ Hongkong (Trung Quốc) tới mua gần hết, số tác phẩm còn lại thuộc về nhà sưu tập Danh Anh... Cũng trong năm 2000, chị có duyên may được tham gia một trại sáng tác ở Mỹ, hai tháng liền chị được sống và vẽ, giải phóng khỏi công việc cơ quan, và việc nhà.

Những đóa thủy tiên, 100x100cm.
Những đóa thủy tiên, 100x100cm.

Hương kể: “...Hai tháng tham gia trại sáng tác, em đem theo 30 tấm vóc kích thước: 60x80cm, và vẽ hết thành tranh”. Cuối ngày chị cứ xin đi đổ rác, các bạn họa sĩ Mỹ, và hoạ sĩ các nước khác ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao cô họa sĩ xinh đẹp này cứ xin đi đổ rác. Đoàn Hương đi đổ rác là để nhặt vỏ trứng về làm sạch, cẩn vỏ trứng lên tranh sơn mài. Chị bảo: “Hai tháng đó em sống đúng là một nghệ sĩ, sống trong tháp ngà, sống, hít thở và vẽ... em thấy mình được sống đúng là một con người, một nghệ sĩ đúng nghĩa, sống đúng với ước mơ của một họa sĩ thoát tục, để làm nghề và chuyên tâm sáng tác, với những điều kiện làm việc tốt nhất”.

Trong triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 2000, chị được nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết lời giới thiệu, đánh giá cao và nhận định chị theo chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism). Và đến hiện tại các tác phẩm của chị vẫn trung thành với trường phái chị theo đuổi.

Chị vẫn miệt mài đọc và nghiên cứu triết học cổ phương Đông, tử vi, và Đông y, và đang sáng tác tranh 12 con giáp, theo sự vận động của ngũ hành. Là một người phụ nữ thông minh, độc lập và quyết đoán, nhưng trên hết là tình yêu nghệ thuật, yêu tranh sơn mài, chị quên đi cuộc sống đa đoan và truân chuyên của một người đàn bà đẹp làm nghệ thuật.

Chị tâm sự: “Mục đích của em trong tương lai gần là trở thành một họa sĩ sơn mài nổi tiếng, trở thành một nghệ sĩ lớn...”. Chị bảo điều mà chị còn thiếu là tác phẩm lớn, còn sự cống hiến cho Nhà nước trong công việc đã thừa thành tích rồi.

Chợ chiều Quản Bạ, 100x100cm.
Chợ chiều Quản Bạ, 100x100cm.

Một số bài chị viết khi làm Tổng Biên tập tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh: “Những thành tựu của ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị”, bài “Khó khăn tồn tại và các giải pháp kiến nghị của ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW...”, bài “Lễ phục Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa” - TC số 1+2 năm 2013, bài “Phát triển mỹ thuật ứng dụng phải được thể chế hóa bằng cơ chế, chính sách” - Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh số 1+2 năm 2015...Tôi nêu tên một số bài viết của chị trong mục: Quản lý và chính sách, của tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh.

Khi chị còn làm Tổng Biên tập, với cái đầu lạnh, và sự chính xác, cẩn thận khi làm quản lý; Và để cân bằng cuộc sống viên chức chính xác và cẩn trọng, là hằng đêm chị vẽ tranh sơn mài tại xưởng để thỏa mãn niềm đam mê vẽ. 

Chất chơi của Đoàn Thu Hương rất hợp với tranh của chị: phóng khoáng, mà đằm thắm bởi sơn, son, thếp vàng lộng lẫy. Khi đang là sinh viên năm thứ hai, chị có cơ duyên được theo họa sĩ  Hoàng Đình Tài đến phụ giúp cho hoạ sĩ Nguyễn Sáng làm tranh sơn mài, và chất ngang tàng, bi hùng, hào sảng của họa sĩ Nguyễn Sáng cùng sự biểu cảm trong tranh của họa sĩ Hoàng Đình Tài đã ngấm vào lối tư duy làm tranh sơn mài của cô sinh viên trẻ lúc nào không biết, để sau này tranh sơn mài Đoàn Hương có tinh thần và kỹ thuật của hai đại họa sĩ đó.

Lời ru, 300x100cm, 2012.
Lời ru, 300x100cm, 2012.

Chị thừa kế chất hào sảng, phóng khoáng, tung tẩy của hai họa sĩ trong các tác phẩm của mình. Tranh sơn mài “Lời ru” (300x100cm) hiện lưu trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Vũ Hán.

Năm 2016, từ xưa tới nay chị thường vẽ  theo phong cách trừu tượng biểu hiện, và thỉnh thoảng vẽ hiện thực theo đơn đặt hàng. Bức tranh để lại ấn tượng mạnh cho tôi là “Mèo”, chị trưng bày lần đầu tiên ở Gallery 31 phố Quốc Tử Giám, năm 2010, do hội MTHN tổ chức, sau này thuộc sưu tập tư nhân. Tôi hỏi Hương: “Sao em vẽ mèo mà giống như con hổ vậy?”. Chị cười và trả lời: “Mèo là tiểu hổ mà chị”.

Tiểu hổ, 180x60cm.
Tiểu hổ, 180x60cm.

Tiễn tôi ra về sau một ngày thăm xưởng vẽ, xem tranh, nghe kể chuyện về cuộc đời, những công việc chị đã làm, và những bức tranh chị đã vẽ. Hương nói: “... em vẫn còn một điều chưa làm được, đó là vẽ một bức tranh về đề tài chiến tranh và cách mạng, để ghi lại dấu ấn tuổi thơ, những ngày sơ tán tránh bom Mỹ, mấy anh chị em đi sơ tán trên Phú Thượng, quê họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, nhiều kỷ niệm lắm chị ạ, thỉnh thoảng lại trốn về phố cổ thăm bố mẹ”.

Tôi chúc ước mơ của Đoàn Thị Thu Hương sẽ thành hiện thực, và một ngày nào đó tôi và những người yêu tranh Hà Nội được ngắm nhìn bức tranh: Hà Nội những năm đánh Mỹ - tác phẩm trong dự định của Hương.  

Đặng Thanh Vân

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Tranh của Nhi đẫm những suy tư triết học về bản thể của mình với những mối quan hệ xã hội và sâu sắc hơn, là sự đối diện với chính mình.