Cho phép doanh nghiệp đầu mối, thương nhân được quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và trên cơ sở giá định hướng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần 2, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương soạn thảo, trình Chính phủ xem xét thông qua.
Theo đó, dự thảo nghị định nói trên sửa đổi hàng loạt quy định, nguyên tắc về kinh doanh xăng dầu, trong đó cho phép doanh nghiệp tự đưa ra giá bán lẻ dựa trên cân đối của mình, đồng thời ban hành ngày điều hành giá.
Dự thảo Nghị định lần thứ 2 cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối.
Đại lý bán lẻ phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.
Trường hợp trong cùng một thời điểm, đại lý bán lẻ xăng dầu ký hợp đồng đại lý với nhiều hơn một thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối, đại lý bán lẻ xăng dầu phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết và bán ra theo quy định", theo Dân Việt.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định không nêu các phương án giải quyết và đề cập đến mức chiết khấu tối thiểu của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Dự thảo nghị định quy định việc sửa đổi bổi sung điều 38, Nghị định số 83/2-14/NĐ-CP, bổ sung khoản 27, Điều 1, Nghị định b95/2021/NĐ-CP, Chính phủ cho phép giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Đáng chú ý, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán lẻ, bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu và giá bán buôn trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và trên cơ sở giá định hướng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp. Thời gian công bố giá xăng dầu định hướng vào ngày thứ năm hàng tuần.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động tăng hoặc giảm từ 7% trở lên trong thời gian giữa 2 kỳ công bố giá định hướng, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện việc công bố giá định hướng.
Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản số 0125 gửi Văn phòng Chính phủ nêu loạt kiến nghị sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu với nhiều điểm nhất liên quan đến Quỹ Bình ổn giá, chiết khấu, quyền của thương nhân phân phối, bán lẻ và cả việc doanh nghiệp cần được tự quyết giá bán.
Theo đó, VCCI cho biết ủng hộ phương án để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát. Khi giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Việc này sẽ tuân theo quy định của Luật Giá và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước nếu không cần thiết.
Lý do được VCCI đưa ra xuất phát từ việc nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá và giá bán sẽ cao hơn chi phí. Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu, theo TPO.
(Tổng hợp)