“Đồng hành” cùng cái đẹp huyền ảo trong đời thường

Năm nghệ sĩ tạo hình đã góp mặt trong triển lãm “Đồng hành” diễn ra từ ngày 28/11 đến 4/12/2024 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Trong số 5 gương mặt của “Đồng hành” có 4 họa sĩ chuyên dòng tranh sơn mài, gồm: Nguyễn Nghĩa Dậu, Trần Văn Đức, Đỗ Đức Khải và Nguyễn Văn Thuật. Người còn lại là nhà điêu khắc Lê Văn Khuy.

Các tác giả trong khoảnh khắc khai mạc triển lãm “Đồng hành”. Ảnh: L.Q.V
Các tác giả trong khoảnh khắc khai mạc triển lãm “Đồng hành”. Ảnh: L.Q.V

Nét chung của nhóm: Trong khoảng 20 năm qua, các thành viên đều đã từng nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật quan trọng. Nét riêng của họ: Ba người là giảng viên các trường mỹ thuật, một người làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một người từng là thành viên chủ chốt của “Sơn ta” - nhóm họa sĩ vẽ tranh sơn mài khá nổi tiếng ở Hà Nội.

Trong “Đồng hành”, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu giới thiệu 5 tác phẩm, đều có bố cục hình tròn nội tiếp trong hình vuông, mỗi chiều 1m. Trong đó, nhân vật chính là những thiếu nữ, được tạo hình tung tỏa với những đường cong tinh tế của hình thể, cùng các đường lượn của suối tóc. Tất thảy toát lên vẻ thanh xuân căng tròn, đầy sinh lực, mơ màng, ẩn chứa sự hấp dụ thầm lặng.

Tác phẩm “Mùa nhớ” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu 
Tác phẩm “Mùa nhớ” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu 

Với Trần Văn Đức, bấy lâu nay, ông vẫn chung tình say đắm và tỏ bày niềm yêu của mình với những tà áo, váy mớ ba, mớ bảy; cùng những vành nón quai thao; chao lượn trong các tầng suối âm thanh da diết của những làn điệu quan họ, trên nền bối cảnh của những chùa chiền, lễ hội dân gian ở vùng quê Bắc bộ ở mỗi độ xuân về. Tranh của ông đậm đà tính trang trí ấm áp, dịu ngọt.

Tác phẩm “Chuyện ngày mới” của họa sĩ Trần Văn Đức
Tác phẩm “Chuyện ngày mới” của họa sĩ Trần Văn Đức

Dù không sinh ra tại Hà Nội, nhưng Đỗ Đức Khải lại khiến nhiều người ngụ cư lâu đời ở thủ đô phải ngạc nhiên với những chia sẻ về vẻ đẹp tạo hình kỳ thú của cây cầu Long Biên cùng những nhân vật phụ nữ bình dị, tảo tần làm ăn ở vùng ven sông Hồng. Sự chia sẻ âm thầm đó mang đậm sắc thái hoài niệm, ấm tình thương yêu; gây niềm bâng khuâng đầy nhung nhớ, đặc biệt với những ai sinh ra trên đất Hà Nội, nhưng nay đang phải sống xa thành phố trên ngàn năm tuổi này.

Tác phẩm “Ngày thường” của họa sĩ Đỗ Đức Khải
Tác phẩm “Ngày thường” của họa sĩ Đỗ Đức Khải

Với nhà điêu khắc Lê Văn Khuy, náu nép trong những bức phù điêu có hình khối giản lược là sự an bình của đời sống người dân thường ngày. Tác phẩm của ông được thể hiện bằng chất liệu composite, phối hợp sơn đắp và kỹ thuật trang trí của sơn mài. Dễ thấy, trong những hình khối tưởng chừng thô nhám đó, các nhân vật trong tác phẩm vẫn ánh lên sự an vui bình dị của niềm hạnh phúc trong các tổ ấm gia đình.

Tác phẩm “Gió thu” của nhà điêu khắc Lê Văn Khuy
Tác phẩm “Gió thu” của nhà điêu khắc Lê Văn Khuy

Còn họa sĩ Nguyễn Văn Thuật, trong các tác phẩm của ông luôn ngập tràn sự bay bổng, đan hòa cái đẹp hiện hữu giữa thiên nhiên và con người. Khuôn tranh của ông như một không gian êm ả của những loài hoa, mà trong đó, các thiếu nữ như được thỏa sức bay lượn cùng sự hoan ca tươi mát của đất trời thiên nhiên, sống động, huyền ảo. Như thấy ở đó, sự đam mê với cái đẹp qua những vũ điệu không có hồi kết.

Tác phẩm “Hoa phù dung” của họa sĩ Nguyễn Văn Thuật
Tác phẩm “Hoa phù dung” của họa sĩ Nguyễn Văn Thuật

Thực sự, dù mỗi người có một lộ trình riêng, phóng cách riêng trong sáng tác, nhưng các tác phẩm trong triển lãm “Đồng hành” không chỉ phản ánh sự gắn kết giữa các nghệ sĩ tạo hình mà còn thể hiện các nỗ lực sáng tạo cá nhân, mang đến những góc nhìn mới về giá trị nghệ thuật trong dòng chảy của văn hóa đương đại.

Lê Quang Vinh

“Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đạt mức “gõ búa” cao nhất: 480.000 USD

“Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đạt mức “gõ búa” cao nhất: 480.000 USD

Kết thúc phiên đấu giá của Le Auction House (Việt Nam), tác phẩm “Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đã đạt mức giá cao nhất: 480.000 USD