Nữ nhà văn, nhà báo, họa sĩ Như Bình với niềm vui 3 trong 1

Sau 10 năm “lặng lẽ” trên văn đàn, nhà văn Như Bình đã trở lại cùng nhiều bất ngờ với giới nghề và bạn đọc, với niềm vui 3 trong 1

Nhà văn Như Bình (Lê Thị Thanh Bình) sinh năm 1972 ở Hà Tĩnh. Thời trẻ, chị học ở TP. Vinh (Nghệ An), nay sống ở Hà Nội, làm TKTS Chuyên đề Văn nghệ Công an (Báo Công an Nhân dân), là một tên tuổi khá quen thuộc trong giới báo chí, văn chương.

Tác giả Như Bình tại buổi ra mắt cuốn tạp bút “Thương những xa xôi” cùng tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” và triển lãm tranh “Hẹn” ở Hà Nội. Ảnh: L.Q.V
Tác giả Như Bình tại buổi ra mắt cuốn tạp bút “Thương những xa xôi” cùng tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” và triển lãm tranh “Hẹn” ở Hà Nội. Ảnh: L.Q.V

Như Bình đã từng gây chú ý với giới sáng tác và bạn đọc, khi liên tục xuất bản một số tác phẩm, gồm: Các tập truyện ngắn “Giông biển”, “Đêm vô thường”, “Dòng sông một bờ”, “Bùa yêu”; các tập ký: “Người mang lại ái tình”, “Những ẩn khuất số phận”, “Những chuyện khó tin nhưng có thật”…; đồng thời sở hữu nhiều giải thưởng: Giải A cuộc thi truyện ngắn Vietnamnet, giải A đề tài dân số, giải B Giải thưởng Văn học Nguyễn Du, giải C truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tặng thưởng tác phẩm truyện ngắn xuất sắc Văn nghệ trẻ…

Hai ấn phẩm mới của nhà văn Như Bình. Ảnh: L.Q.V
Hai ấn phẩm mới của nhà văn Như Bình. Ảnh: L.Q.V

Bẵng đi một thời gian dài, sau 10 năm “lặng lẽ” trên văn đàn, cận kề ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), nữ nhà văn Như Bình đã có cuộc trở lại đầy bất ngờ và ấn tượng trong mắt bạn bè: Ra mắt cuốn tạp bút “Thương những xa xôi” cùng tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” (đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành, với sự cảm nhận: “Nhà văn Như Bình đã trở lại với tất cả nội sinh chất chứa trong một nội tâm đầy sóng gió và tĩnh lặng để: Thú nhận, sống thật và nói lời thật”) và triển lãm tranh “Hẹn”. Còn với tác giả, chị chia sẻ: "Ký ức là một phần đời ta từng sống. Nó không bao giờ mất, như dòng chảy của những con sông, lặng lẽ rời đi để phù sa ở lại...".

Ấn phẩm “Thương những xa xôi” gồm 21 bài tản văn, tạp bút được chắt lọc trong hành trình 18 năm nhà văn/nhà báo Như Bình sống và làm việc ở Hà Nội. Dễ thấy qua các trang viết là sự dội nhớ ký ức của tác giả về nơi quê nhà từng gắn bó cùng những háo hức sau này nơi chốn thị thành.

Một bức tranh do Như Bình sáng tác và chùm minh họa của các họa sĩ: Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đặng Tiến và Hoàng Phượng Vỹ, in trong cuốn tạp bút “Thương những xa xôi”. Ảnh: L.Q.V
Một bức tranh do Như Bình sáng tác và chùm minh họa của các họa sĩ: Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đặng Tiến và Hoàng Phượng Vỹ, in trong cuốn tạp bút “Thương những xa xôi”. Ảnh: L.Q.V

Vốn dĩ là người bấy lâu mê mải gắn mình với những mạch, dòng văn xuôi, nên khi thấy Như Bình trình làng tập thơ đầu tiên mang tên “Sự im lặng biếc xanh”, gồm 52 bài thơ sáng tác trong vài năm gần đây, phần lớn theo thể tự do, với ngập tràn những cung bậc cảm xúc và tự minh họa, đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Tại buổi ra mắt các tác phẩm văn - thơ - họa của Như Bình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã chia sẻ: “Cách đây một năm, tôi đọc những bài thơ của Như Bình và thực sự xúc động, bởi ở đó, một điều gì đó của đời sống được vang lên, được mở ra. Như Bình như một cái chuông ném vào đời sống này, va vào sỏi đá, vào những vui buồn của cuộc sống… Đó là những tiếng vang của nỗi cô đơn, của hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà của chị, tiếng vang của nỗi sợ hãi, sự thảng thốt… Tập thơ chứa đựng quá nhiều xúc cảm của Như Bình. Trong thời đại tưởng như thi ca đã rời bỏ đời sống thì sự xuất hiện của Như Bình giúp chúng ta hiểu rằng, thơ ca vẫn ở đó, ẩn giấu trong mỗi chúng ta…”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ về ấn phẩm thơ của tác giả Như Bình. Ảnh: L.Q.V
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ về ấn phẩm thơ của tác giả Như Bình. Ảnh: L.Q.V

Dịp này, Như Bình lại tạo nên một bất ngờ mới cho giới sáng tạo nghệ thuật khi trưng bày triển lãm “Hẹn” - giới thiệu 30 bức tranh do Như Bình vẽ trong 3 năm gần đây, gồm tĩnh vật, chân dung, phong cảnh… bằng chất liệu acrylic trên toan, với những bố cục khá sinh động, bắt mắt, hấp dẫn người thưởng ngoạn. Theo họa sĩ Đào Hải Phong: “Xem tranh Như Bình thấy ngay tinh thần của một nhà thơ, chị vẽ tranh tràn đầy cảm xúc ồ ạt, hối hả cả ở màu và những nhát bút dường như không kịp toan tính và tình cảm đẹp. Mỗi bức tranh như một câu chuyện nhỏ, có lẽ Như Bình không muốn “ấn” mình ở một dòng phái nào trong thế giới hội họa mênh mang này, vì chị đa tài…”.

Một số bức tranh do Như Bình thể hiện. Ảnh: L.Q.V
Một số bức tranh do Như Bình thể hiện. Ảnh: L.Q.V

Đến chia vui với Như Bình trong dịp này có đông đảo bạn bè trong giới văn nghệ ở Hà Nội và một số người hiện ở nơi xa, trong đó, người ở xa nhất là nhà văn trẻ Tống Phước Bảo đến từ TP. Hồ Chí Minh. Xin lược trích một số cảm nhận của mọi người:

Họa sĩ Lê Thiết Cương (Hà Nội): “Tôi đọc những bài thơ đầu tiên của Như Bình cách đây 4 năm. Tôi thấy Như Bình chất thơ nhiều hơn văn xuôi. Đọc tập thơ của Bình thấy Bình trong đó. Bình rất dũng cảm vì có bao nhiêu cảm xúc, chị đều đưa vào thơ. Như Bình tâm sự: “Tôi làm thơ để làm bạn với tôi, để hiểu tôi hơn và để tha thứ cho tôi”. Còn tôi nghĩ Như Bình làm thơ là để trò chuyện với mình. Hội họa với Bình cũng vậy, tôi không hỏi chị tại sao lại vẽ, tôi hiểu, chị muốn vẽ để cho đời sống của chị dài rộng hơn. Và không chỉ thơ, hay hội họa, mà là nghệ thuật nói chung, là cách Như Bình trò chuyện với chính mình...”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (Hà Nội): “Văn xuôi của Như Bình đậm chất nhân hậu, dù viết về chiến tranh khốc liệt. Trong tập có "O Bé" được coi là một truyện ngắn hoàn chỉnh, dù tác giả gọi là tản văn. Một phụ nữ nhường chồng mình đến với người vợ liệt sĩ cô độc để chị này sinh con đặng sống một tuổi già có con cái giúp đỡ. Quá nhân hậu và bạo liệt. Về hội họa: Màu của tranh Như Bình rực rỡ như sắc của chị và tươi sáng. Bức nào cũng có thể làm tranh bìa Tết cho mọi ấn phẩm. Thơ của Như Bình cũng đậm chất cô đơn như những nhà thơ khác, nhưng cái cô đơn của Như Bình mang lại sự vá lành, chứ không xé rách tâm hồn người đọc”.

Họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng): “Như Bình viết văn, làm thơ chân thành, tình cảm thế nào thì khi sáng tác mỹ thuật cũng chân thành, tình cảm như vậy. Thêm phần háo hức của người được đắm chìm trong lĩnh vực mới, thế giới mới, sự khám phá mới. Tranh của Bình toát lên sự đam mê đến cuồng nhiệt. Đôi khi, sự “non tơ” ban đầu lại làm nên vẻ đẹp bất ngờ. Và điều quan trọng, những ai xem tranh của Bình đều cảm được tình cảm và sự chân thành của tác giả; như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực bằng chính sự đam mê, chân thành ấy”.

Nữ nhà giáo/nhà phê bình văn học Nguyên Tô (Bắc Ninh): “Đọc chị, thấy cuộc đi sâu vào mình thật dữ dội và yêu thương. Như Bình thương từ những xa xôi, những gì là máu thịt, cả những gì lắc lơ chị gặp dọc hành trình gió bụi. Suy cho cùng, xa hay gần, gắn kết hay phản kháng, cộng hay trừ, tất cả đều là những món quà mà Chúa gửi xuống nhân gian để thử thách chị. Như Bình đã khóc, đau khổ và hạnh phúc, đỉnh cao hay vực sâu - đều là những xúc cảm tinh thần mãnh liệt để bật ra trong thế giới nghệ thuật của chị. “Người thơ phong vận như thơ ấy”.

Nhà giáo/nhà phê bình văn học Nguyên Tô (phải) chúc mừng nhà văn/họa sĩ Như Bình. Ảnh: L.Q.V
Nhà giáo/nhà phê bình văn học Nguyên Tô (phải) chúc mừng nhà văn/họa sĩ Như Bình. Ảnh: L.Q.V

PGS - TS Phùng Gia Thế (Hà Nội) trong một bài viết khá dài có nhiều nhận xét chân xác về tác giả Như Bình: "Sự im lặng biếc xanh", trái ngược với tên gọi, không phải tiếng thơ của “một cành hoa khôi, một hồn yếu đuối”, mà là một phức cảm đặc biệt của Như Bình. Có thể xem "Sự im lặng biếc xanh" là những khúc mơ hoang, tinh tế, bản năng, hoang dại. Dễ nhận ra, chủ thể trữ tình xuyên suốt trong thơ Như Bình là người đàn bà trưởng thành, đã nếm đủ mọi dư vị buồn, vui, ngọt, đắng.

Thơ Như Bình là thơ về tình yêu - tình yêu đã mất và những khát khao không hồi đáp, vọng âm. Thơ Như Bình vừa mang thiên mệnh khổ đau rất đỗi đàn bà, vừa ẩn tàng mạnh mẽ như một thùng thuốc nổ. Nhưng thơ Như Bình không thiếu những khát khao (về tình yêu, cái đẹp, lòng từ ái). Như Bình mạnh mẽ mà không lên gân, khổ đau mà không sến. Người đàn bà trong thơ chị luôn đơn độc, buồn và chán, và chẳng có ai để cầm tay trong những lúc tâm hồn đau khổ. Nó bị giày vò bởi tình yêu, không ngừng suy ngẫm về tình yêu. Thơ Như Bình là thơ của người đàn bà tự phơi mở thế giới nội tâm của mình…”.

Lãnh đạo và các đồng nghiệp Báo Công an Nhân dân tặng hoa chúc mừng nhà văn/họa sĩ Như Bình. Ảnh: L.Q.V
Lãnh đạo và các đồng nghiệp Báo Công an Nhân dân tặng hoa chúc mừng nhà văn/họa sĩ Như Bình. Ảnh: L.Q.V

Trong khi đó, Thiếu tướng, nhà thơ Phạm Khải - Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân - chia sẻ: “Rất ít trường hợp có thể kết hợp trong một cuộc ra mắt sách các loại hình nghệ thuật như văn xuôi, thơ và hội họa. Với một tác giả thế hệ 7X, thì Như Bình là trường họp hiếm hoi. Trong 3 loại hình nghệ thuật này, với cảm nhận của một người làm nghề, tôi nghĩ, loại hình đúng chất chị nhất là thơ ca, mặc dù chị viết văn nhiều hơn. Tên các tác phẩm của chị đậm chất thơ; nó đẹp vì rất giàu hình ảnh và âm thanh như “Bùa yêu”, “Người mang lại ái tình”, “Sự im lặng biếc xanh”… Phẩm chất của thơ ca là hướng tới cái đẹp và Như Bình là một trường hợp như vậy”.

Lê Quang Vinh

Họa sĩ 3 quốc gia triển lãm tranh tưởng niệm nữ giám tuyển Shireen Naziree

Họa sĩ 3 quốc gia triển lãm tranh tưởng niệm nữ giám tuyển Shireen Naziree

Triển lãm tưởng niệm Shireen Naziree được khai mạc tối 23/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, quy tụ tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.