Du lịch Việt Nam mất 23 tỷ USD vì COVID-19, cần bao nhiêu năm mới có thể phục hồi?

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã bị dừng lại vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. Du lịch và Vận tải hành khách trở thành những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, và có thể mất 4 năm mới phục hồi.

Du lịch là ngành thiệt hại nặng nhất vì COVID-19

Báo cáo của Vietnam Report công bố Top 10 Công ty Du lịch và  5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2020 vừa công bố, dẫn thông tin của Hội đồng Lữ hành & Du lịch Thế giới (WTTC), cho biết trên toàn cầu, ngành du lịch đã đóng góp tới 8.900 tỷ USD vào GDP toàn cầu năm 2019, tương đương với mức đóng góp 10,3% và 330 triệu việc làm.

Du lịch Việt Nam cũng được xem là ngành kinh tế mũi nhọn mà 2019 là năm thành công với mức tăng trưởng thần kỳ. Việt Nam đã đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, xếp hạng 7/10 quốc gia tăng trưởng về du lịch cao nhất. Ngành Du lịch Việt Nam được vinh danh với nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu danh giá, năng lực cạnh tranh tiếp tục cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Du lịch Việt Nam mất ít nhất 23 tỷ USD riêng trong năm 2020, vì đại dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Du lịch Việt Nam mất ít nhất 23 tỷ USD riêng trong năm 2020, vì đại dịch COVID-19. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lịch sử đã dừng lại vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. Du lịch và Vận tải hành khách trở thành những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính du lịch quốc tế giảm khoảng 80% trong năm 2020. 

Còn theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới -Liên hợp quốc (UNWTO) trong 6 tháng đầu năm 2020, mức giảm doanh thu của ngành du lịch gấp 5 lần mức ghi nhận vào năm 2009, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

UNWTO xây dựng 3 kịch bản với độ suy giảm của du lịch quốc tế tương ứng 58%, 70% và 78%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch thế giới đi theo kịch bản 2, là suy giảm khoảng 70%, thiệt hại từ du lịch quốc tế (xuất khẩu) toàn cầu ước khoảng 1.000 tỷ USD, với lượng khách quốc tế toàn cầu sẽ giảm 1 tỷ lượt người và kéo theo 100-120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch mất đi.

Việt Nam đã dừng đón khách quốc tế từ tháng 3/2020 cho đến nay, và chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 khiến khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm ít nhất 70% so với năm 2019; khách nội địa giảm 50%; khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%; ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

Tính đến hết 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước 3,8 triệu lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 16.600 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 58,6% so với cùng kỳ 2019.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết chỉ trong trong 6 tháng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Việt Nam dừng hoạt động. Có 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Người dân sẽ đi du lịch ít hơn, ngành du lịch cần bao lâu để phục hồi sau dịch?

Một thách thức mà các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt đó là nhu cầu du lịch sụt giảm. Vietnam Report đã khảo sát về hành vi của khách du lịch sau khi có đại dịch COVID-19. Kết quả, chỉ có gần 6% (bao gồm đồng ý và rất đồng ý) người được hỏi cho biếtsẽ đi du lịch nhiều hơn; 24,8% người lựa chọn sẽ đi du lịch giống như trước khi có dịch bùng phát, và trên 67,3% người nhận định họ đi du lịch ít hơn.

Ít đi du lịch hơn, người dân chọn du lịch trong nước, đi cùng bạn bè, người thân là xu hướng du lịch trong thời gian tới. Ảnh: TTXVN
Ít đi du lịch hơn, người dân chọn du lịch trong nước, đi cùng bạn bè, người thân là xu hướng du lịch trong thời gian tới. Ảnh: TTXVN

UNWTO dự đoán việc phục hồi của ngành Du lịch về mức trước khủng hoảng dự kiến ​​sẽ mất tới 4 năm. Du lịch nội địa đang tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để giúp duy trì nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch, và sẽ tiếp tục là động lực phục hồi chính trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, khi các hoạt động du lịch trong nước đã có một số khởi sắc, thì một phần do ảnh hưởng các hạn chế đi lại quốc tế và hành vi của khách du lịch thay đổi, người dân sẽ khó khăn trong việc sắp xếp được thời gian và tài chính để đi du lịch. Vì vậy, mức du lịch nội địa vẫn sẽ giảm mạnh trong năm 2021.

Trong khảo sát của Vietnam Report, có đến 60% doanh nghiệp cho rằng sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần 13 -18 tháng để phục hồi, có 20% doanh nghiệp chỉ cần từ 7 -12 tháng để có thể phục hồi tình hình kinh doanh như trước.

Với kết quả khảo sát với khách du lịch về yếu tố nào có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định đi du lịch, cho thấy khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19 của Chính phủ, an toàn và an ninh của điểm đến chính là hai yếu tố được nhiều người chú trọng nhất, tiếp theo mới là chi phí chuyến du lịch.

Xu hướng sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, là đi du lịch theo nhóm nhỏ cùng gia đình hoặc giữa những người bạn bè quen biết, hơn là theo các nhóm đông như trước đây.

Khi được hỏi về việc sẽ đi cùng ai trong chuyến du lịch sắp tới, Vietnam Report ghi nhận có 58,4% người trả lời khảo sát lựa chọn đi cùng gia đình; 24,8% lựa chọn đi cùng bạn bè, còn lại là các đối tượng khác. Ngoài ra, nhu cầu đi du lịch tự túc cũng chiếm tới 67%, đi tour trọn gói qua các doanh nghiệp du lịch chiếm gần 23%, mua tour từng phần của dịch vụ du lịch chỉ chiếm khoảng 10%.

Khảo sát cũng chỉ ra có 82,2% người lựa chọn đi du lịch trong nước; 13,8% người được hỏi lựa chọn đi du lịch ở các địa điểm trong và gần tỉnh/thành phố nơi ở, chỉ có 4% dự định đi du lịch ở nước ngoài trong thời gian tới.

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương