“Đất hiếm” là gì?
Tên chính thức của “đất hiếm” là nguyên tố đất hiếm (REE - Rare Earth Element), để chỉ 17 nguyên tố hóa học có mặt trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Chúng bao gồm các nguyên tố (xếp theo thứ tự alphabet): Cerium (Ce); Dysprosium (Dy); Erbium (Er); Europium (Eu); Gadolinium (Gd); Holmium (Ho); Lanthanum (La); Lutetium (Lu); Neodymium (Nd); Praseodymium (Pr); Promethium (Pm); Samarium (Sm); Scandium (Sc); Terbium (Tb); Thulium (Tm); Ytterbium (Yb) và cuối cùng là Yttrium (Y).
Dù 17 nguyên tố nêu trên được gọi bằng cái tên "hiếm", nhưng chúng không hiếm như người ta tưởng vì có mặt khắp nơi trong vỏ Trái đất nhưng không tích tụ lại một nơi như các mỏ kim loại khác.
Loại nguyên tố có nhiều nhất là Cerium với hàm lượng là 68 phần triệu (ppm - part per million), ngay cả loại có ít nhất là Thulium và Lutetium cũng có hàm lượng cao gấp 200 lần so với hàm lượng vàng đang có trong thiên nhiên.
Chỉ có Promethium là cực hiếm, khoảng 570g trong toàn bộ lớp vỏ Trái đất, nhưng nguyên tố này hầu như chỉ sử dụng trong một số thí nghiệm khoa học và có thể sản xuất nhân tạo với số lượng lớn.
Việc trích xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô là rất khó khăn và tốn kém, do hiếm khi chúng tập trung một chỗ với hàm lượng đủ lớn để việc khai thác đạt được hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, việc khai thác và xử lý “đất hiếm” lại tàn phá môi trường rất nghiêm trọng, nên các quốc gia phương Tây rất hạn chế cấp phép khai thác trong nước. Đây là nguyên nhân người ta gọi chúng là "đất hiếm".
Trung Quốc muốn độc quyền trong lĩnh vực “đất hiếm”
Tuần trước, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hợp nhất ba công ty chuyên khai thác “đất hiếm” chủ chốt của mình là Minmetals Rare Earth, Chinalco Rare Earth & Metals Co và China Southern Rare Earth Group Co thành một công ty duy nhất và chưa được tiết lộ tên.
“Đất hiếm” là nguyên tố quan trọng để sản xuất các linh kiện điện tử và hợp kim công nghệ cao, những nguyên vật liệu không thể thiếu trong việc sản xuất các thiết bị dân sự và quốc phòng.
Hiện tại, Trung Quốc gần như độc quyền về “đất hiếm”.
Trong năm 2019, nước này đã sản xuất ra đến 90% lượng “đất hiếm” trên toàn thế giới. Ngoài ra, các báo cáo còn cho thấy trữ lượng “đất hiếm” của Trung Quốc ước tính khoảng 36 triệu tấn, chiếm khoảng 30% trữ lượng toàn cầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ có trữ lượng đất hiếm ước tính khoảng 13 triệu tấn, chiếm 13% tổng trữ lượng toàn cầu. Các quốc gia khác như Australia, Nga, Ấn Độ và Brazil cũng có trữ lượng đáng kể.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc không phải lúc nào cũng là nhà sản xuất “đất hiếm” hàng đầu thế giới.
Cho đến những năm 1980, 99% nguồn cung cấp “đất hiếm” trên thế giới được cung cấp bởi Hoa Kỳ dưới dạng sản phẩm phụ của các hoạt động khai thác titan, zircon và phốt phát. Tuy nhiên, do những thay đổi trong các quy định của Hoa Kỳ, trong đó có các quy định về môi trường nên Trung Quốc đã giành lấy thị trường “đất hiếm” về phía mình.
Các nhà phân tích tin rằng, việc Trung Quốc gần như độc quyền về “đất hiếm” giúp nước này trở thành con át chủ bài trong cuộc cạnh tranh với Mỹ để giành vị trí thống trị toàn cầu và trên thực tế họ đã thể hiện sự sẵn sàng biến nó thành một “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc có thể chọn biện pháp cấm xuất khẩu “đất hiếm” cho các quốc gia hoặc công ty mà họ coi là mối đe dọa đối với lợi ích của mình.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của Trung Quốc vào tháng trước đã đề xuất dự thảo kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu 17 nguyên tố “đất hiếm”, những thứ rất quan trọng trong việc sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và các loại vũ khí công nghệ cao khác.
Năm ngoái, Trung Quốc đã xem xét lệnh cấm xuất khẩu “đất hiếm” cho Lockheed Martin, Boeing và Raytheon do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngoài ra, vào năm 2010, Trung Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm trên thực tế đối với việc xuất khẩu “đất hiếm” sang Nhật Bản để đối phó với các cuộc đụng độ trên biển quanh quần đảo Senkaku /Điếu Ngư đang tranh chấp. Tuy nhiên, lệnh cấm trên thực tế của Trung Quốc không có hiệu quả vì Nhật Bản nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng “đất hiếm” cho riêng mình.
Lâu nay, nguồn “đất hiếm” của Trung Quốc chủ yếu được cung cấp bởi các mỏ ở trong nước. Tuy nhiên, hiện nước này đang nhắm đến mục tiêu phát triển các công nghệ xanh và năng lượng tái tạo để bù đắp cho những thiệt hại về môi trường do việc khai thác “đất hiếm” gây ra trong quá khứ.
Nhưng, chiến lược kinh tế của Trung Quốc là muốn trở thành quốc gia lãnh đạo công nghệ toàn cầu và đó chính là động cơ mà nước này muốn kiểm soát hoạt động buôn bán “đất hiếm” – một vật chất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ.
Chiến lược đẩy khai thác ra nước ngoài của Trung Quốc liệu có thành công?
Tuy nhiên, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc không phải là vô hạn. Ô nhiễm môi trường và trữ lượng ngày càng khan hiếm đang thúc đẩy các công ty đất hiếm của Trung Quốc phải tìm các nguồn thay thế ở nước ngoài. Vì vậy, Trung Quốc đã và đang gia tăng dấu ấn địa chính trị của mình đối với những quốc gia có trữ lượng “đất hiếm” nhiều ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Các nước đang phát triển có mỏ “đất hiếm” đáng kể có thể khai thác nguồn tài nguyên này như kiểu mà các quốc gia Trung Đông khai thác dầu.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tỏ ra dè dặt với vấn đề này, bởi điều đó sẽ gây ra rất nhiều rủi ro.
Thứ nhất, những hậu quả về môi trường và xã hội: việc khai thác “đất hiếm” có thể gây ra bất ổn chính trị và xã hội hơn nữa ở các quốc gia đang phát triển. Chẳng hạn như Ecuador – nơi mà các công ty của Trung Quốc đã bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội để khai thác “đất hiếm” dẫn đến các cuộc phản đối trong cộng đồng cư dân bản địa.
Thứ hai, doanh thu từ “đất hiếm” có thể củng cố chế độ chuyên quyền và điều này dẫn đến các căng thẳng quốc tế.
Chẳng hạn như tại Myanmar, doanh thu từ việc xuất khẩu phần lớn “đất hiếm” của mình sang Trung Quốc được cho là lấy tiền để tài trợ cho lực lượng dân quân ủng hộ quân đội – lực lượng đang đàn áp những người biểu tình.
Thứ ba, các quốc gia này có thể theo đuổi cách tiếp cận cân bằng toàn diện giữa Trung Quốc và các bên quan tâm khác, chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Chiến lược như vậy giống như việc chơi với bên này chống lại bên kia.
Theo các nhà quan sát, mặc dù nguồn tài nguyên “đất hiếm” tại Trung Quốc không phải là vô tận, song cách mà chính quyền Bắc Kinh tập trung khai thác ở các nước đồng minh chiến lược ở các châu lục khác cho thấy quyết tâm của họ trong việc thống lĩnh thị trường này. Đây chính là một lợi thế trong cuộc chiến thương mại đã và đang diễn ra với Mỹ nếu như họ giải quyết được vấn đề cốt lõi này – đó là thuyết phục được các đồng minh trong vấn đề khai thác.