Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc đảm bảo điện trong các tháng cuối năm và 2 kịch bản cấp điện cho năm 2024.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, trong 7 tháng qua, điện sản xuất và nhập khẩu hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Theo tính toán của EVN, lũy kế cả năm 2023 ước đạt 282,66 tỷ kWh tăng 5,3% so với năm 2022, đạt 99,4% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Báo cáo Kế hoạch cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 của EVN cho thấy, việc đảm bảo cung cấp than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thủy điện được cải thiện có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tuy ở một số thời điểm công suất dự phòng ở miền Bắc ở mức thấp do bố trí lịch sửa chữa các nhà máy nhiệt điện.
Để đảm bảo cân đối cung - cầu điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 với 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.
Theo kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%).. Với kịch bản 2, trong tình huống cực đoan, lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 và tương ứng tần suất khoảng 90%.
Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.
Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 đến khoảng 1.770MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7 năm 2024. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm.
EVN đang tập trung vào các giải pháp như: Đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy thuộc EVN và các đơn vị thành viên (hiện chiếm 37,7% công suất lắp đặt của hệ thống); hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều thấp; làm việc với TKV, TCT Đông Bắc và PVN/PVGas để đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống; lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao để đạt công suất thiết (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định.
Đồng thời, EVN cũng đề nghị Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai Trung ương cho phép tích nước các hồ thủy điện miền Bắc sớm ngay từ tháng 8/2023 với mục tiêu tích đầy hồ vào cuối năm 2023. Tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện; tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cấp điện trong năm 2024- 2025, đặc biệt là 4 dự án 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, các công trình phục vụ nhập khẩu điện từ Lào theo Hiệp định liên Chính phủ (ĐZ 220kV Nậm Sum - Nông Cống và ĐZ 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ)…cũng như đôn đốc các Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại.
Cũng theo lãnh đạo EVN, theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024-2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40-42 tỷ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2-28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn. Do đó, cần phải bổ sung thêm than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong các năm giai đoạn 2024-2030.
Để đảm bảo cấp than năm 2024 và các năm tiếp theo, EVN đang làm việc với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nhằm đảm bảo cung cấp toàn bộ than cho sản xuất điện của các nhà máy sử dụng than antraxit của EVN và các EVNGENCO từ 1/1/2024 đảm bảo đủ nhu cầu vận hành và chất lượng theo yêu cầu của bên mua. Qua đó nâng tổng khối lượng than cung cấp hàng năm trong hợp đồng dài hạn hiện hữu lên khoảng 27-28 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu huy động trong thời gian tới.
Liên quan đến tình hình cung cấp khí, theo báo cáo của EVN, trong các năm vừa qua, khả năng cấp khí Đông Nam Bộ của PVN/PV GAS cho phát điện đang suy giảm mạnh từ năm 2020 trở đi, trong đó năm 2020 khả năng cấp chỉ khoảng 6 tỷ m³ đến năm 2023 khả năng cấp chỉ còn 4,3 tỷ m³, khả năng cấp khí cho khu vực Tây Nam Bộ ổn định trong khoảng 1,3-1,4 tỷ m³/năm, theo TPO.
Để đảm bảo nhiên liệu khí cho phát điện năm 2024 và các năm tiếp theo, đảm bảo tận dụng hạ tầng cung cấp khí hiện hữu sẵn có đáp ứng tiến độ và nhu cầu nhiên liệu khí cho phát điện EVN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao PVN là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu khí cho phát điện (bao gồm cả khí LNG khai thác trong nước và nhập khẩu). Việc bổ sung khí LNG cho các nhà máy điện được thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn các nhà cung cấp LNG, đảm bảo công khai, cạnh tranh minh bạch. Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, EVN sẽ triển khai ngay việc đàm phán bổ sung khí LNG để kịp tăng nguồn cung khí cho năm 2024.
(Tổng hợp)