FED để ngỏ khả năng đẩy mạnh việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Ngày 21/3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25% như lần tăng mới nhất để kiềm chế lạm phát.

Phát biểu tại Hội nghị chính sách kinh tế thường niên của Hiệp hội quốc gia các nhà kinh tế doanh nghiệp (NABE) diễn ra từ 20 – 22/3 tại thủ đô Washington, ông Powell cho biết FED đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Ông để ngỏ khả năng FED sẽ có thể tăng lãi suất quỹ liên bang thêm hơn 0,25% nếu các cuộc họp kết luận rằng điều này là cần thiết. Theo ông, việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho tới khi lạm phát trong tầm kiểm soát và thậm chí chính sách tiền tệ có thể được thắt chặt hơn nếu cần thiết để ổn định giá cả. 

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-rgkvwnpj74z1ecpzq6lta-files-2021-11-tuan3-_fed-221121(1).jpg
Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch FED đánh giá thị trường việc làm, dù có sự phục hồi mạnh mẽ, song đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi các nhà quản lý đang phải chật vật với tình trạng thiếu lao động và nhiều người vẫn chưa quay trở lại tham gia thị trường lao động sau dịch COVID-19. Theo ông Powell, thị trường lao động Mỹ đang trong tình trạng mất cân bằng khi nhu cầu tuyển dụng cao hơn quy mô lực lượng lao động khoảng 5 triệu việc làm. Tuy nhiên, người đứng đầu FED bày tỏ lạc quan rằng ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường lao động mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái.

Ngay cả với cú sốc giá dầu do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra, ông Powell nhấn mạnh rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và hiện ở trạng thái tốt để có thể xử lý những tác động từ chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn. Mặc dù vậy, ông cũng cảnh báo những diễn biến khó lường trong cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có thể tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.

Hôm 16/3 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25%, qua đó nâng biên đội lãi suất lên mức 0,25 - 0,5%. Dự báo kinh tế hàng quý của FED được công bố vào tuần trước cho thấy hầu hết các quan chức FED đều dự đoán lãi suất liên bang sẽ tăng lên 1,9% vào cuối năm nay và lên khoảng 2,8% vào cuối năm 2023.

Trong tháng 2 vừa qua, giá tiêu dùng tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục mới vào tháng 2/2022 trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao và tình trạng này có khả năng còn kéo dài do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Lao động Mỹ cho biết đây là mức gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng. CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng. Chỉ số này giúp đánh giá mức độ lạm phát của nền kinh tế.

Giá cả tại Mỹ tăng cao do tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu và nhân lực, cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, giá cả tăng cao là một vấn đề và lạm phát hằng năm sẽ vẫn ở mức cao. Bà tin tưởng FED sẽ có những bước đi mang tính quyết định nhằm kéo lạm phát đi xuống.

TTXVN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương