Gần Tết, giá thịt heo có dấu hiệu 'tăng nhiệt'

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua thịt của người dân tăng dần kéo theo giá thịt heo bắt đầu có dấu hiệu tăng giá.

Thịt heo ngoài chợ bắt đầu "nhảy múa", cao hơn siêu thị

Tại các chợ dân sinh, thịt heo có giá trung bình từ 160.000 - 300.000 đồng/kg. Cụ thể, tại chợ Vườn Chuối (quận 3) giá thịt nạc 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt vai 160.000 - 165.000 đồng/kg, sườn non 180.000 - 200.000 đồng/kg,...

Nếu như so với đầu tháng trước, giá các loại thịt heo này đồng loạt tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này dự báo: Sau Tết ông Công, ông Táo rất có thể giá thịt heo còn tiếp tục tăng vì vào thời điểm đó nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao khi người dân mua thịt về gói bánh chưng, làm giò.

cpi-thang-9-1618.jpg

Nếu như tại hệ thống chợ truyền thống giá thịt heo giữ ở mức cao và còn có thể tăng giá trong những ngày tới thì tại hệ thống siêu thị lại không tăng giá. Thậm chí, nhiều siêu thị đưa ra các chương trình khuyến mãi nên giá bán thấp hơn hệ thống chợ truyền thống.

Theo đó, tại các siêu thị tiện ích như BigC, Vissan, E-mart,... thịt ba chỉ hiện được bán với giá 152.900 đồng/kg; thịt đùi 113.900 đồng/kg; thịt vai 113.900 đồng/kg; sườn non 169.000 đồng/kg; thịt thăn 132.000 đồng/kg… 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặc dù nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân những ngày gần Tết tăng cao, nhưng hiện nguồn cung trong nước vẫn bảo đảm, bởi việc tái đàn đang tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo đông lạnh để bổ sung nguồn cung trong nước.

“Các loại thịt gia súc ăn cỏ, gia cầm, trứng, sữa… sẽ bổ sung vào lượng thịt thiếu hụt trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Quan sát chặc chẽ tình hình sản xuất, có phương án nhập khẩu thịt heo nếu cần thiết

Theo thông tin từ báo Chính Phủ, Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Riêng mặt hàng thịt heo, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNN và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, chủ động hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết...

capture.png

Cũng theo Bộ Công thương, nhằm đảm bảo nguồn cung thiết yếu trong dịp Tết, từ vài tháng trước các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã lên kế hoạch dự trữ và hiện tại hàng hóa đã về đến kho, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Một số đơn vị cũng nhập khẩu hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết, thế nhưng, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90% tỉ lệ hàng hóa dự trữ.

Ngoài ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, từ mua sắm trực tiếp sang online, vì thế, để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua wesbite, app, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực.

Đặc biệt, để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2-3 giờ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.

 

 

 

 

 

PHƯƠNG LÊ