Gặp GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu

...nếu không phải là bà, chủ động, quyết đoán, thì sẽ không có một Hội NTT VN với 10 năm hoạt động, ngày càng phát triển, rộng mở ở nhiều lĩnh vực

Bà luôn không muốn nói về mình. Khi tạp chí Phụ nữ Mới muốn phỏng vấn bà với tư cách là Chủ tịch đầu tiên Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTT VN) về những khó khăn ai cũng biết trong 10 năm đầu tiên của chặng đường thành lập và phát triển Hội NTT VN, nhân dịp Đại hội lần thứ III của Hội NTT VN sắp được tổ chức, bà chỉ muốn nói về những thủ tục hành chính, những cuộc họp hành, hội thảo... dẫn đến thành lập Hội, ý nghĩa của việc thành lập Hội, mà tránh đi vai trò của cá nhân bà.

Chân dung GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
Chân dung GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu

Thế nhưng, cũng lại là điều ai cũng biết, nếu không phải là bà, chủ động, quyết đoán, thì sẽ không có một Hội NTT VN với 10 năm hoạt động, ngày càng phát triển và rộng mở ở nhiều lĩnh vực, thu hút sự tham gia không chỉ của các nhà nghiên cứu khoa học nữ mà cả nhà ngoại giao, nhà báo, nghệ sĩ...

Nhà khoa học gương mẫu, uy tín

GS Phạm Thị Trân Châu là một gương mặt nổi bật trong các nhà khoa học, là nhà nghiên cứu sinh hóa gương mẫu, uy tín ở thế kỷ XX của Việt Nam. Thành tựu trong nghiên cứu của bà, nếu chỉ nhìn vào số bản thảo, bài viết, báo cáo kết quả về các công trình nghiên cứu khoa học, bài viết trên báo, tạp chí khoa học, luận án... mà tháng 4/2021 vừa rồi, bà đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để lưu giữ, đã là một con số đồ sộ. Gần 30 đầu sách tập hợp hàng trăm công trình trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến bộ sách “Hóa sinh học” được bà và đồng nghiệp viết từ thập niên 90, đã được tái bản 12 lần; cuốn “Công nghệ sinh học: Enzyme và ứng dụng”, đặc biệt là cuốn “Các protein ức chế protease” – cuốn sách mà bà đã dồn hết tâm huyết trong một thời gian khá dài để viết, hệ thống một cách cơ bản nhưng cũng đầy đủ, súc tích nhất về protein. Một sự nghiệp nghiên cứu khoa học vô cùng đáng khâm phục và nể trọng. Bà còn là một nhà khoa học nữ đã không ngừng đóng góp cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam thời hiện đại.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Hóa sinh – Sinh học phân tử Việt Nam (nhiệm kỳ I, từ năm 2015 đến nay), Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Công nghệ Sinh học – Đại học Quốc gia Hà Nội (1996- 2000), nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Hóa sinh – Sinh học phân tử Việt Nam (nhiệm kỳ I, từ năm 2015 đến nay), Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Công nghệ Sinh học – Đại học Quốc gia Hà Nội (1996- 2000), nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

 “Từ rất lâu tôi đã muốn làm thế nào để động viên phụ nữ”, bà nói. Nhìn vào kết quả học tập, nghiên cứu của phụ nữ, cơ bản không thua kém nam giới, nhưng chỉ sau một thời gian, rất nhiều tài năng nữ bị chìm khuất trong đời thường. Trong khoa của bà, nữ sinh khá giỏi không ít nhưng trong số khá giỏi đó, trở thành tiến sĩ lại không nhiều như nam. Làm người nghiên cứu khoa học đã khó, nhưng là phụ nữ, việc đó còn khó hơn nhiều. Vào đầu những năm 1990, GS.TS Phạm Thị Trân Châu đang làm Chủ nhiệm bộ môn Sinh hóa của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là Trường đại học KHTN-ĐHQGHN) đã thành lập được một câu lạc bộ “Phụ nữ trong khoa học” của khoa Sinh. Mục tiêu của câu lạc bộ là hỗ trợ thêm cho phụ nữ để hoàn thành tốt các công trình khoa học, tạo điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi khoa học với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Là Chủ nhiệm CLB, bà tổ chức một cách khéo léo trên cơ sở nguồn kinh phí ít ỏi, các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho hội viên. Bà khuyến khích các tài năng nữ, đặc biệt các tài năng nữ trẻ đạt thành tích cao trong học tập giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bà cũng đồng thời tổ chức các lớp nâng cao kiến thức gia đình, dạy nữ công gia chánh cho phụ nữ nhằm góp phần giúp chị em tổ chức tốt cuộc sống riêng, có điều kiện tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Biết cách tổ chức cuộc sống riêng có lẽ là điều mà GS Phạm Thị Trân Châu đã muốn định hướng cho các học trò và đồng nghiệp trẻ của mình từ rất lâu. Bà luôn nhấn mạnh với họ rằng phải độc lập, độc lập sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và độc lập kinh tế trong cuộc sống gia đình. “Nếu các em lấy chồng giàu, đừng biến mình thành sọt rác hay bình hoa”, các em phải tự chủ về kinh tế và như vậy, để sống cuộc đời của chính mình, không lệ thuộc, mới có thể nghiên cứu khoa học. Con đường của các nhà khoa học nữ từ xưa không hề dễ dàng, từ những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy, bà muốn học trò, đồng nghiệp của mình khi đã chọn con đường khoa học thì phải có đủ kỹ năng và bản lĩnh để tiến bước.

Có thể lúc ấy, GS Phạm Thị Trân Châu cũng không ngờ rằng, có lúc nào đó, câu lạc bộ “Phụ nữ trong khoa học” của khoa Sinh Trường đại học Tổng hợp lại phát triển lớn mạnh đến thế. Gần 1⁄4 thế kỷ sau, Hội Nữ trí thức Việt Nam ra đời, và bà, không phải ai khác, trở thành Chủ tịch Hội đầu tiên một cách xứng đáng.

Chủ tịch Hội đáng kính

Bà làm nhiều việc đến nỗi khó có thể hình dung. Có thời gian, ngoài nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Phạm Thị Trân Châu còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác: đại biểu Quốc hội (khóa IX, khóa X), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa X, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Học hàm chuyên ngành Sinh học, Ủy viên Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quỹ hỗ trợ sáng tạo tài năng nữ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hóa Sinh và Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban chủ nhiệm Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về Công nghệ sinh học, Ủy viên Hội đồng biên tập tạp chí Sinh học và một số tạp chí khoa học liên ngành khác v.v.. Bà đảm nhiệm tất cả những công việc đó và làm với trách nhiệm và sự tận tâm đáng nể trọng. Ngay cả khi đã ở tuổi ngoài 80, bà vẫn làm việc không ngừng, đặt nền móng và làm Chủ tịch Hội NTT VN từ lúc thành lập 2011 đến nay với bao công việc từ lớn đến nhỏ.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam.

Bà hay kể công lao của người khác. Dạo làm Câu lạc bộ “Phụ nữ trong khoa học”, bà nói bà được Chủ nhiệm khoa giúp đỡ rất nhiều. Còn khi thành lập Hội NTT VN, bà nói Hội LHPNVN đã giúp đỡ hỗ trợ rất nhiều người. Tuy nhiên, tại trụ sở ngày mới thành lập của Hội NTT VN tại 39 Hàng Chuối, trong cơ quan Hội LHPNVN, bà là người đã mua từng cái ghế, cái bàn, tủ đựng tài liệu. Việc sửa văn phòng do con gái bà giúp nhân công, kinh phí... Việc con gái giúp, bà nói sơ sơ, nhưng những ai đã mua cho văn phòng Hội những ngày đầu cái gì, quạt, tủ lạnh hay máy điều hòa thì bà nhớ như in... Bà không quên tất cả những ai đã ghé vai cùng bà những ngày mới thành lập Hội, bà kể lại một cách rõ ràng, cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa nguyên Phó Chủ tịch nước – GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPNVN - PGS.TS  Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam – GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tại Hội nghị Nữ khoa học và Công nghệ lần thứ I
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa nguyên Phó Chủ tịch nước – GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPNVN - PGS.TS  Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam – GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tại Hội nghị Nữ khoa học và Công nghệ lần thứ I

Mười năm qua, trên cương vị Chủ tịch Hội NTT VN, GS Phạm Thị Trân Châu đã xây dựng Hội trở thành nơi kết nối và tập hợp sức mạnh của nữ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, phát huy trí tuệ người phụ nữ Việt Nam góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Cũng như khi xưa ở bộ môn Sinh hóa, khi bà lo lắng từng cái chậu rửa mặt hay tấm rideau trong phòng nữ sinh viên, bà thấu hiểu những vấn đề mà nữ trí thức Việt Nam phải đương đầu và tìm cách động viên, tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho họ, để họ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, vì bản thân, gia đình và đất nước. Chỉ khác là số hội viên mà bà lãnh đạo đã lên tới con số hơn 4 nghìn người, với những vấn đề lớn và phức tạp hơn nhiều do biến động xã hội. Vẫn nhỏ nhẹ nhưng quyết đoán, vẫn tràn ngập thương yêu và thông cảm nhưng mạnh mẽ, bà làm Chủ tịch Hội với tâm huyết của một nhà khoa học và hơn thế, với sự tận tâm của người chị, người mẹ gần gũi, thân thương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và chúc mừng GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và chúc mừng GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: TTXVN

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu sinh năm 1938. Là sinh viên khóa đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1959, tốt nghiệp ngành Sinh học với kết quả tốt, bà Châu được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy. Sau nhiều năm được đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu ở trường, đến năm 1974 bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (Đại học Tổng hợp Lo’dz’ Ba Lan) theo hướng proteinaza và năm 1985 đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học (Đại học Wroclaw Ba Lan) theo hướng nghiên cứu enzym protein ức chế proteinaza (PPI).

Nỗ lực trên con đường nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu về enzym, bà đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Sử dụng Bromelain tách chiết từ chồi ngọn dứa tạo các chế phẩm như chế phẩm Prozimabo để ứng dụng thử nghiệm trong điều trị bỏng tại Viện bỏng Quốc gia; Chế phẩm Prozima để thủy phân các protein thịt bò và một số loại đậu để làm bột dinh dưỡng cao cấp cho trẻ em, làm mềm thịt và sản xuất các loại nước mắm ngắn ngày, sử dụng các protein ức chế proteinaza (PPI) từ hạt gấc tạo chế phẩm Momoctatin (MM) để làm thuốc trừ sâu hại rau đã thử ngoài đồng ruộng có kết quả tốt...

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam từ năm 2011 đến nay (2011-2021). Bà cũng là Chủ tịch Hội Hóa sinh – Sinh học phân tử Việt Nam (nhiệm kỳ I, từ năm 2015 đến nay), Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Công nghệ Sinh học – Đại học Quốc gia Hà Nội (1996- 2000), nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Hóa sinh, Khoa Sinh học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là một trong các nhà nữ khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng Kovalevskaia (1988), giải thưởng khoa học cao quý dành cho các nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Toán, cùng nhiều huân, huy chương và các giải thưởng cao quý khác.

Phạm Thanh Hà

Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất, Khu vực miền Bắc

Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất, Khu vực miền Bắc

Từ 16 – 17/10, tại Hà Nội, Hội nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG HN) tổ chức Hội nghị nữ khoa học