Giá gas giảm mạnh từ ngày 1/6

Công ty Saigon Petro vừa phát đi thông báo giảm giá 35.500 đồng cho mỗi bình gas 12 kg kể từ ngày mai 1/6.

Theo thông báo của Saigon Petro, giá gas SP giảm 2.958 đồng/kg (đã VAT), tương đương giảm 35.500 đồng bình 12kg kế từ ngày mai (1/6). Với mức giảm này, giá bán lẻ gas SP đến tay người tiêu dùng sẽ ở mức 365.500 đồng bình 12 kg.

Giá gas giảm được ông Trần Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh doanh của Saigon Petro lý giải là do giá CP bình quân tháng 6/2023 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5/2023.

Đây là tháng thứ ba giá gas trong nước giảm với tổng cộng 115.500 đồng. Trong khi đó, nhiên liệu này ghi nhận ba tháng tăng với 38.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, tính đến lúc này, giá mỗi bình gas 12 kg vẫn thấp hơn 70.000 đồng so với đầu năm.

Trên thế giới, giá gas hôm nay 31/5, giao dịch ở mức 2,319 USD/mmBTU, giảm 0,17% so với đầu phiên.

Giá gas trên thị trường thế giới ảnh hưởng lớn đến giá gas trong từng khu vực. Hiện nay, giá gas thế giới đang trong giai đoạn biến động. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giảm giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên và nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã giảm vào năm 2022 do tăng trưởng kinh tế thấp hơn và giá khí đốt cao hơn, đánh dấu mức giảm tiêu thụ hàng năm đầu tiên kể từ năm 1990.

Reuters đưa tin, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của nước này đã giảm 1% (0,4 tỷ feet khối mỗi ngày) so với năm trước, theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, chủ yếu là do các quy định Zero COVID của Trung Quốc và các đợt phong tỏa trên diện rộng, cũng như các chính sách của chính phủ đặt an ninh nguồn cung lên trước các mục tiêu phát thải là những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm sử dụng khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm 2021, nhưng giảm 20% (2,0 bcf/ngày) vào năm 2022, do nhu cầu thấp hơn và giá cao hơn, theo EIA.

Trước năm 2022, nhập khẩu LNG của Trung Quốc chỉ giảm một lần - vào năm 2015 - với khối lượng nhỏ hơn nhiều, EIA cho biết. Mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước tăng mạnh, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng.

EIA cho biết thêm, từ năm 2010 đến năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa và các chính sách về môi trường.

HÀ MY