Giao dịch chứng khoán chiều 31/5: Cổ phiếu tài chính đua nhau tăng trần, VN-Index lên đỉnh mới

Các nhóm cổ phiếu đua nhau nổi sóng, đặc biệt là dòng bank và chứng khoán nở rộ sắc tím, đã giúp thị trường tiếp tục chinh phục đỉnh lịch sử mới, chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1.330 điểm.

Sau phiên giao dịch hừng hực khí thế vào cuối tuần trước, thị trường đã có những biến động mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 31/5, khiến giới đầu tư khá bất ngờ.

Thị trường được ví von như tàu siêu tốc khi áp lực bán đột ngột tăng mạnh và lan rộng khiến sắc đỏ bao trùm, chỉ số VN-Index lao dốc mạnh và bốc hơi khoảng 30 điểm, lùi về dưới mốc 1.310 điểm, nhưng đã nhanh chóng bật ngược đi lên nhờ dòng tiền chảy mạnh.

Bên cạnh tâm điểm là cổ phiếu ngân hàng, thép và một số mã dầu khí, trong phiên sáng nay, dòng tiền mạnh cũng đã lan sang nhóm cổ phiếu chứng khoán giúp các mã này đua nhau tăng trần. Chỉ số VN-Index đã tạm dừng phiên sáng nay sát mốc 1.320 điểm với thanh khoản xác lập mức kỷ lục mới.

Tâm lý tích cực tiếp tục kéo sang phiên giao dịch chiều giúp thị trường dễ dàng lấy lại sắc xanh ngay khi mở cửa. Đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh lịch sử mới và tiến sát mốc 1.330 điểm.

Tuy nhiên, cũng như những phiên giao dịch gần đây, hiện tượng nghẽn lệnh đã sớm xẩy ra khi thanh khoản thị trường tăng cao. Chỉ sau khoảng 40 phút giao dịch, sàn HOSE đã đứng hình và đi ngang trong thời gian còn lại.

Chốt phiên, sàn HOSE có 158 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index tăng 7,69 điểm (+0,57%) lên 1.328,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 737 triệu đơn vị, giá trị 25.458,29 tỷ đồng, giảm 4,12% về khối lượng nhưng tăng 2,66% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 28/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.605 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ cổ phiếu đầu ngành VCB vẫn đi lùi khi giảm 1% xuống 98.600 đồng/CP, còn lại đều nới rộng đà tăng. Đặc biệt là các cổ phiếu thuộc top sau của nhóm với các mã như STB tăng 6,1% lên 33.800 đồng/CP, ACB tăng 6,4% lên 41.400 đồng/CP, LPB giữ vững mức giá trần 29.950 đồng/CP…

Đây vẫn là nhóm có sức hút lớn nhất thị trường với 7/8 mã thuộc nhóm này dẫn đầu thanh khoản thị trường gồm STB khớp 42,13 triệu đơn vị, VPB khớp 33,14 triệu đơn vị, MBB khớp 30,4 triệu đơn vị, LPB khớp 24,24 triệu đơn vị, CTG và TCB cùng khớp hơn 17 triệu đơn vị, ACB khớp hơn 16 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu SSB có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp sau nhịp nghỉ ngày 27/5, khi kết phiên tăng 4,6% và xác lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 40.800 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1,83 triệu đơn vị.

Bên cạnh dòng bank, nhóm cổ phiếu khác thuộc ngành tài chính là chứng khoán đặc biệt ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ khi đồng loạt đua nhau kéo trần. Chỉ còn một số mã như HCM, SSI, VCI, SHS, VND, TVS ngấp nghé trần, còn lại đều khoe sắc tím như AGR, APG, APS, CTS, BVS, IVS, BSI, AAS, VIX, VDS…

Không chỉ tăng mạnh về giá, giao dịch của nhóm cổ phiếu này cũng sôi động với các mã ART, SSI, SHS có khối lượng khớp trên 10 triệu đơn vị; HCM và VIX khớp trong khoảng 8-9 triệu đơn vị và nhiều mã khác khớp một vài triệu đơn vị…

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức khiến cổ phiếu HPG điều chỉnh giá tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu không ngừng gia tăng mạnh khiến HPG giữ vững mức giá trần 52.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 60,3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,9 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm thép đã nới rộng biên độ tăng trong phiên giao dịch chiều, trong đó HSG tiến sát mức giá trần khi tăng 6,4% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 43.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 12,38 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là cặp đôi FLC và ROS vẫn duy trì nhiệt giao dịch sôi động nhưng sau phiên tăng trần với lượng dư mua trần chất đống của phiên cuối tuần trước, bộ đôi này đã lại quay đầu điều chỉnh trong phiên hôm nay. Kết phiên, FLC giảm 1,6% xuống 11.950 đồng/CP, còn ROS giảm 2,2% xuống 6.530 đồngCP với khối lượng khớp cùng đạt xấp xỉ 14 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dòng tiền bị tắc trên sàn HOSE đã chuyển hướng giúp HNX trở nên sôi động hơn và chỉ số HNX-Index tiếp tục phi nước đại, lập đỉnh mới.

Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index tăng 7,4 điểm (+2,38%) lên 317,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 186,21 triệu đơn vị, giá trị 4.359,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 55 tỷ đồng.

Sau nhịp tăng nhẹ trong phiên sáng, cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn là BAB đã có màn tăng vọt, với mức tăng 8,9% lên 31.700 đồng/CP, trong khi NVB tăng 8,4% lên mức 23.300 đồng/CP.

Bên cạnh cặp đôi nhà ngân hàng tăng mạnh trên cùng sắc tím nở rộ ở nhóm chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều các cổ phiếu họ P trên HNX cũng có phiên tăng mạnh, tiếp sức cho thị trường phá đỉnh.

Đáng chú ý là PVC và PVC cùng tăng kịch trần, trong đó PVS giao dịch sôi động với hơn 25,88 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ đứng sau SHB về thanh khoản, đạt 40,92 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ đà tốt trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 2,66 điểm (+3,09%), lên 88,77 điểm với 164 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107 triệu đơn vị, giá trị 1.898 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,7 triệu đơn vị, giá trị 215,66 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn cổ phiếu dầu khí tiếp tục nới rộng đà tăng mạnh, trong đó BSR tăng 10,3% lên mức 17.200 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 35,35 triệu đơn vị; còn OIL tăng 9,8% lên 13.400 đồng/CP và khớp 4,78 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã ngân hàng và chứng khoán không hề giảm nhiệt với sắc tím ngày càng lan rộng hơn. Đặc biệt các cổ phiếu ngân hàng như BVB, NAB, SGB, VBB, PGB đều trong trạng thái dư mua trần; ABB có thời điểm cũng được kéo lên mức giá trần và kết phiên tăng 12,6% lên 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 12,7 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều kết phiên tăng, trong đó, VN30F2106 đáo hạn gần nhất tăng 17 điểm (+1,2%), lên 1.479,5 điểm, với khối lượng khớp lệnh có hơn 211.790 đơn vị, khối lượng mở 30.140 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền phân hóa khá mạnh. Trong đó, CJVC2006 và CVNM2011 dẫn đầu thanh khoản thị trường. Cụ thể, CJVC2006 giảm 37,5% xuống mức 150 đồng/CQ đã khớp 89.110 đơn vị, còn CVNM2011 giảm 36% xuống 160 đồng/CQ đã khớp 77.370 đơn vị.

T.THÚY