Cuộc chạy đua về sản lượng để thoát nghèo đã đặt hạt giống ngô bản địa của người Mông trước nguy cơ bị biến mất trong chính cộng đồng của mình. Đi cùng với đó là những nỗ lực mong manh trong việc lưu giữ nhằm phục vụ đời sống văn hoá và tâm linh của người Mông.
Đang mơ màng trong một buổi sớm đầu đông, ông Khang Chờ Dê (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải) nghe tiếng gõ cửa liên hồi. Ông Sào, một người họ hàng thân thiết của ông nhờ giúp đỡ. Ông Sào cần gấp một vài hạt ngô đỏ, giống ngô bản địa mà người Mông gìn giữ chỉ dành riêng cho việc thờ cúng và để treo trước nhà xua đuổi điềm gở. Ông Dê tìm lấy trong góc bếp một vài hạt ngô, gói ghém cẩn thận và đưa cho người họ hàng của mình. Là con của thầy cúng, ông Dê hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của những hạt ngô đỏ này trong việc thực hành lễ nghi, đặc biệt là khi ông Sào đang cần gấp.
Trở về giường, ông Dê nghĩ ngợi về những hạt giống ngô đỏ mà ông đang giữ, đặc biệt là sự khan hiếm hạt giống ngô bản địa ở trong vùng ông đang sống. Ở quanh xã Chế Cu Nha nơi dòng họ ông sinh sống bao đời nay, gia đình ông là một trong những hộ ít ỏi còn gìn giữ những hạt giống ngô cúa bua (quav npua) phục vụ cho các nghi lễ. Nếu muốn gieo trồng cho các vụ mùa tiếp theo, ông phải tiếp tục trồng và lưu trữ hạt giống.
Giống ngô bản địa. |
Chạy dọc trên những con đường thấp thoáng bóng hoa đào ở huyện Vân Hồ, Sơn La, nơi cũng tập trung nhiều người Mông di cư đến và sinh sống giống như Mù Cang Chải, tìm hạt giống ngô bản địa cũng không khác gì mò kim dưới đáy bể.
Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ khẳng định: “Giống ngô bản địa mọi người ở đây dùng gọi trước đó là ngô đá mèo, giống ngô đó vừa năng suất thấp, vừa cây lại cao, đến mùa mưa bão cây bị dập, nên người ta thay thế giống mới có năng suất cao hơn. Giống ngô bản địa đó hiện nay trên địa bàn xã Vân Hồ là không còn”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hồ, Tráng A Giàng, một người Mông từng gieo trồng giống ngô đá mèo trong vùng, cũng nhận định giống ngô bản địa ở Vân Hồ đã bắt đầu mất sạch từ những năm 2002, 2003.
Việc mất giống ngô bản địa dần khiến người Mông nông dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc mất đi khả năng tự chủ trong canh tác nông nghiệp, họ dần bị lệ thuộc vào các nguồn giống lai trên thị trường. Cùng với đó, mất giống ngô bản địa đang tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn về sinh thái và đời sống văn hóa tâm linh.
Tìm về đời sống văn hóa của giống ngô bản địa
Do tập quán sinh sống trên các triền núi cao, giữa rừng đá trập trùng, không tiện lợi trồng lúa nên từ bao đời nay, lương thực chính của người Mông là cây ngô. Cây ngô đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người dân, được canh tác một vụ kéo dài khoảng sáu tháng với chức năng làm lương thực trong bữa ăn hằng ngày, nấu rượu và là đồ dâng cúng trong nghi lễ thờ cúng.
Ngày nay, người Mông Mù Cang Chải không sử dụng ngô quá nhiều trong các bữa ăn, thay vào đó, họ dùng chúng làm thức ăn chính cho chăn nuôi lợn và gà. Từ quan sát của những người nông dân ở Chế Cu Nha, gia súc, gia cầm tỏ ra thích thú với giống ngô bản địa hơn, và cho ăn bằng giống ngô bản địa cho hiệu quả kinh tế hơn khi chỉ cần một lượng thức ăn ít, giúp gia súc, gia cầm no lâu và mau lớn hơn. Từ huyện Vân Hồ, anh Tráng A Sồng (Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) cũng khẳng định: “Chắc chắn là gia súc thích giống ngô bản địa hơn rồi. Thứ nhất ngô bản địa ngọt hơn, thơm hơn, gia súc thích ăn hơn. Bao giờ tụi nó cũng ăn hết sạch. Ngay cả khi mổ gia súc, thịt của nó cũng chắc hơn là thịt của gia súc ăn ngô lai“.
Quan trọng hơn, hạt ngô bản địa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của từng gia đình người Mông. Người Mông đã hình thành nên “văn hóa ăn ngô” và cây trồng này đã tham dự vào mọi nghi lễ trong đời sống tộc người. Người Mông tin rằng hạt ngô, hạt thóc có khả năng xua đuổi tà ma. Đặc biệt, những hạt ngô màu đỏ có khả năng ngăn ngừa thế giới bên ngoài xâm nhập vào thế giới của loài người.
Theo người Mông, ngô đỏ treo trước cửa nhà để xua đuổi điềm gở |
Theo người Mông, thế giới gồm phần thế giới của loài sống có thể xác là cõi hữu hình Yaj Ceeb và thế giới của loài sống không thể xác là cõi vô hình Yeej Ceeb. Hai cõi này tồn tại song song, dưới cõi trên trời Qaum Ntuj do các vị thần cai quản. Vì thế, cần có những cách để giữ cho trật tự này được giữ nguyên, cân bằng. Những bắp ngô màu đỏ treo trước cửa nhà được cho là để đánh dấu cho những vật thể sống không thể xác biết rằng bên trong ngôi nhà này là nơi riêng biệt của loài người - một loài thuộc những cơ thể sống có thể xác. Và vì thế, chúng tuyệt đối không được xâm lấn. Bởi nếu các vật thể sống không thể xác xâm lấn quá nhiều vào cõi hữu hình sẽ dần đến mất cân bằng, đau ốm, bệnh tật nên mới cần các lễ, nghi để giữ cho trật tự này được cân bằng.
Hàng năm, vào buổi chiều cuối cùng của năm, người ta sẽ dùng những bắp ngô màu đỏ để ném vào tất cả các góc trong nhà với niềm tin rằng chúng sẽ đuổi hết tất cả những điều xấu, điều gở ra khỏi ngôi nhà để chuẩn bị đón chào những điều tốt đẹp cùng năm mới.
Ngoài ra, trong một số lễ cúng, người Mông cũng dùng ngô để làm lễ. Ví dụ như có một số nhóm người Mông sẽ phải nổ bỏng ngô để trước bàn thờ cúng. Thường họ sẽ nổ một lần, đem chia cho trẻ em và mọi người trong nhà ăn. Rồi nổ thêm hai lần cho lên bàn thờ cúng rồi mới bắt đầu làm cúng. Nếu bỏng ngô lên đều thì lễ cúng đó mới giải quyết được hết việc, còn nếu bỏng ngô lên không đều báo hiệu lễ cúng có những khó khăn, khúc mắc khó giải quyết dù lễ cúng chưa bắt đầu. Hay có một loại cúng đặc biệt chuyên để tìm kiếm những vật thất lạc hoặc tìm ra những nghi vấn là cúng Pó Tơ (Pob Tawb). Người Mông sẽ rải những hạt ngô màu vào chiếc sàng gạo, rồi đặt lên một chiếc hồ lô có gắn một thanh gỗ nhỏ sao cho nó thật cân bằng. Bằng những bài ca phép thuật, người ta sẽ mời về các vị thần để thông qua tổ hợp này mà giải đáp những nghi vấn. Thanh gậy của chiếc hồ lô sẽ thường là dấu chỉ cho những câu trả lời. Hoặc là do thầy cúng hỏi chỉ thẳng, hoặc là gõ xuống sàng có chứa ngô.
Ở Chế Cu Nha, người Mông cùng nhau đổi công thu hoạch ngô và những gia đình không trồng ngô bản địa tranh thủ vụ mùa thu hoạch đi đổi công để tiện thể xin về vài hạt ngô đỏ giữ làm của để dành cho các nghi lễ cần thiết. “Năm nào nhà tôi cũng phải trồng một mảnh nương ngô bản địa để thu giữ các bắp ngô đỏ giữ làm lễ. Bố chồng là một thầy cúng và cũng là một trong những trưởng lão của dòng họ nên ông gần như bắt buộc chúng tôi trồng giữ giống này, nó không chỉ để cho gia đình sử dụng mà còn để bà con hàng xóm còn có cho những lễ nghi quan trọng nữa” - Dông, một người mẹ 26 tuổi chia sẻ.
Giống ngô bản địa đi đôi với tự chủ và linh hoạt trong canh tác
Ngô bản địa từ lâu đã là một phần trong lối sống, tập tục và kiến thức canh tác của người Mông. Lối canh tác truyền thống qua bao đời cho ra một số giống ngô có chất lượng tốt và thân thiện với hệ sinh thái. Với đặc thù núi cao, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn và thường xuyên thiếu nước, việc canh tác nông nghiệp ở các vùng người Mông không chỉ yêu cầu kỹ thuật canh nông ở trình độ cao mà còn cần giống cây thích ứng với môi trường địa hình bản địa.
Giàn ngô của ông Dê |
Ông Khang Chờ Dê (huyện Mù Cang Chải) nhớ lại: “Trước khoảng năm 1980, người Mông có kỹ thuật chọn giống thuần chủng rất tốt và ai ai cũng tự tìm kiếm giống tốt nhất cho nương nhà mình để giữ giống, vì thế mà giống ngô thường có tên gắn với người đầu tiên trong vùng trồng nó hoặc là nơi được cho là xuất thân của loại ngô đó”. Trong trí nhớ của ông, có rất nhiều giống ngô bản địa tốt, ví dụ loại ngô vằn hoa mà trên thân ngô có ba màu trắng, đen, đỏ xen lẫn nhau từng được gia đình ông trồng ở một khu rừng nguyên sinh trong làng. “Nó lên cực kỳ tươi tốt, thân to, cao, bắp siêu to, thường trung bình to cỡ bắp tay chị em phụ nữ luôn, hạt cũng lên đều, đẹp, màu sắc sặc sỡ”. Theo kinh nghiệm gieo trồng, bất kể lúa, ngô hay các loại cây khác, nếu mảnh nương nào có cây tốt cho hạt to, sai hạt thì sẽ được khoanh lại để làm giống.
Ở các nương ngô bản địa, người dân trồng xen canh nhiều cây trồng khác như các loại rau cải, bí, đỗ, khoai, dưa. Họ trộn đều các loại hạt giống này vào chỗ phân chuồng đã ủ sẵn ở một góc nương, sau khi cuốc đất, tra hạt ngô xuống, họ cho một nắm phân có lẫn hạt giống khác xuống rồi lấp đất lên. Những cây trồng này được trồng xen canh với cây ngô và có tác dụng làm đất đai thêm màu mỡ để phục vụ cho một mùa ngô mới.
Hình thức xen canh, luân canh là đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật canh tác nương rẫy của người Mông khi tăng hệ số sử dụng đất để đảm bảo nhu cầu lương thực. Trên một thửa nương, người dân có thể thu hoạch đa dạng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cơ bản về lương thực tuy năng suất của ngô bản địa sẽ không cao.
Trong khi đó, việc trồng ngô lai với độ dày phủ đất không cho phép việc trồng xen canh các loại cây trồng khác. Như vậy khiến người dân phải mua các loại thực phẩm khác từ chợ, quá trình này tạo nên sự mất tự chủ kinh tế. Chị Lý Thị Pàng (Chế Cu Nha, Mù Cang Chải) chia sẻ: “Người canh tác giống ngô cũ thì mất công bảo quản giống, người canh tác giống mới thì mất tiền mua giống và mất sự tự chủ”.
Ngay cả với địa hình khó khăn như hốc đá, người Mông vẫn tìm được cách thích ứng. “Thổ canh hốc đá” là một trong những tập quán canh tác sáng tạo, phù hợp với các bề mặt đá tai mèo, có ít đất để trồng những khóm ngô nhỏ. Những nơi mà không có đất thì người Mông cũng gùi từng quẩy đất từ khe núi để vào những hốc đá để tra ngô. Để tránh bị rửa trôi đất, ở những nương có độ dốc nhất định, họ thường xếp đá lại, tạo thành các bức vách đá để ngăn chặn sự xói mòn.
Các giống ngô bản địa cũng được nhận định là có khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Viết, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Theo kinh nghiệm quan sát và nghiên cứu ở các địa bàn Điện Biên, Lai Châu, Sơn La từ năm 2000 - 2015 của tôi, giống ngô bản địa gục xuống khi mà nó chín. Người Mông có tập quán là thu hoạch thì cứ để nó chín ở ngoài nương. Đến lúc mà người ta thu hoạch đến đâu thì lại gùi về gia đình, tích trữ ở các lán trại trên nương. Đây là đặc điểm rất quan trọng vì khi gục bắp xuống nó có cái áo của bắp thì sương với nước mưa không ngấm vào hạt, không làm cho nó bị mọt. Còn ngô lai thì bị sương và nước ngấm vào nên bị mọt. Do vậy mà nhiều người Mông nghĩ là ngô lai không có hạt, vì nó bị mọt hết”.
Sự biến mất của ngô bản địa
Trong trí nhớ của mình, chị Pàng (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải) gợi nhắc: “Khoảng 20 năm trước, có một đợt cán bộ xã phát giống mới, đợt đó gọi là “giống mô hình”, “thóc mô hình”. Những nhà nào đồng ý trồng giống “ngô mô hình” và “thóc mô hình” này thì sẽ được tặng cả phân bón. Mà đợt đó phân bón mới xuất hiện, rất là toàn năng, cứ dùng là cây rất tốt luôn, cho nhiều năng suất. Thế là nhà nhà, người người đua nhau chuyển sang giống ngô mới này, phần vì năng suất cao hơn, phần vì rút ngắn thời gian canh tác mà còn lại được cấp phân bón miễn phí. Dần dần mất giống ngô bản địa lúc nào không hay”. Đến thời điểm này, gia đình chị Pàng đã mất hoàn toàn giống ngô bản địa, cả giống nếp lẫn tẻ.
Gia đình anh Khang A Mang (xã Chế Cu Nha) là một trong những “người người, nhà nhà“ mà chị Pàng nhắc đến. Anh Mang không phủ nhận rằng ngô lai thực sự mang lại những hấp dẫn về mặt năng suất, nhưng lại không thể hoàn toàn thay thế ngô bản địa trong văn hóa tâm linh, do đó gia đình anh duy trì canh tác cả hai giống. Chỉ có điều càng ngày giống ngô bản địa càng bị giảm chất lượng bởi sự thoái hóa giống do bị thụ phấn chéo cũng như tỷ lệ canh tác ngô lai trên địa bàn ngày một lớn và không còn đủ nương ngô độc lập cho giống ngô bản địa thuần chủng.
Ngô bản địa bị lai chéo tạo những hạt màu vàng trên bắp |
Cùng thời điểm đó, Viện nghiên cứu văn hóa cũng chỉ ra rằng ở Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi mà ngô thường được trồng trên nương núi đá với những đặc điểm riêng biệt, các hộ gia đình cũng đã chuyển đổi giống lai trên phần lớn diện tích trồng trọt để đảm bảo an ninh lương thực. Theo những người trong làng Trúc, một làng của người Mông, giống ngô lai có thời gian sinh trưởng khoảng 4-5 tháng, thường cho bắp ngô to, cây ngô cao lớn hơn giống ngô truyền thống. Việc du nhập giống ngô lai ở làng Trúc có những tác động tích cực đến đời sống của người Mông tại đây. Tình trạng mất mùa, thiếu lương thực đã không diễn ra thường xuyên và sản lượng ngô cũng được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác.
Lùi thời gian trở về trước đó, trong giai đoạn chuyển giao năm 1995, khi mà Nhà nước bắt đầu cấm người Mông trồng cây anh túc, nguồn sinh kế quen thuộc bị mất đi, dẫn đến kinh tế đói kém. Người dân buộc phải tìm cách sinh nhai cũng như tạo ra những nguồn thu nhập lớn hơn. Cũng giai đoạn này, Nhà nước bắt đầu hỗ trợ về hạt giống ngô lai để đảm bảo an ninh lương thực. Từ đầu năm 2000, giống ngô lai được Chính phủ Việt Nam đưa vào trồng với số lượng ngày càng lớn, dần thay thế cho giống ngô truyền thống tại địa phương. Giống ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo việc đủ bữa cho người dân. Từ đó về sau, trồng ngô lai ở các huyện nghèo, điển hình là Mù Cang Chải, trở thành cuộc chạy đua “xóa đói giảm nghèo”.
Ở giai đoạn đầu, giống được hỗ trợ bởi hội khuyến nông qua các mô hình thí điểm. Nhưng sau đó, giống ngô lai bắt đầu được cung cấp bởi các công ty bên ngoài. Các hộ phải tự chủ về hạt giống, cũng như các loại phân bón, thuốc diệt cỏ, diệt sâu đi kèm. Điểm chuyển giao này cũng khiến người Mông dần mất đi hình thái kinh tế tự cung tự cấp lưu giữ từ bao đời, và bắt đầu phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Trong tương lai gần, khi những tiêu chí về sản lượng vẫn được coi là thang đo hàng đầu thì có lẽ giống ngô lai vẫn sẽ chiếm phần lớn diện tích canh tác của người Mông. Không chỉ người nông dân truyền thống, mà cả các cán bộ chính quyền địa phương tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (nhân vật yêu cầu giấu tên) cũng chia sẻ rằng giống ngô lai đang dần phá vỡ hình thái kinh tế tự chủ, tự cung, tự cấp của người Mông và mang về rủi ro nợ vật tư nông nghiệp lớn.
Song song với đó, việc dùng ngô lai cùng tệp đính kèm “phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu” trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng đất. Ở Vân Hồ, Sơn La, việc trồng ngô bản địa không phổ biến cũng vì đất đã bị bạc màu sau một thời gian dài sử dụng phân bón. Ông Tráng A Chu, già làng của bản Hua Tạt chia sẻ: “Đất bây giờ bị bạc màu hết rồi, chỉ có trồng ngô lai được thôi”.
Trong một nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ bản địa của người Mông trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nhóm dân tộc Mông đến từ ba tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, các nhà nghiên cứu đề cập: “Trí tuệ bản địa thực sự là nền tảng cần thiết cho khả năng tự lực của người dân, giúp người dân giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài cũng như giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trong cộng đồng do biến đổi khí hậu, tuy nhiên, điều này đang dần biến mất trong cộng đồng”.
Những nỗ lực còn sót lại
Ở xã Vân Hồ, người Mông chấp nhận việc không có ngô bản địa để thực hành các nghi lễ hoặc các nghi lễ có thể không diễn ra. Các món ăn truyền thống dùng đến hạt ngô bản địa cũng dần được thay thế bởi cơm gạo hay các thực phẩm khác trên thị trường. Giờ đây, hỏi một em bé người Mông về món mèn mén truyền thống, số lần ăn có thể được đếm trên đầu ngón tay trong một năm.
Hay cả ở Chế Cu Nha, dẫu biết giống ngô bản địa luôn có chỗ đứng nhất định trong đời sống tâm linh, ông Dê cũng thừa nhận việc lưu giữ giống bản địa là một thách thức lớn, bởi lẽ: “Các giống ngô lai thụ phấn ngẫu nhiên vào các cây ngô bản địa làm suy thoái giống bản địa, mà lại không còn nhiều nương độc lập đủ xa để lưu giữ các giống ngô truyền thống”.
Người Mông đổi công để tranh thủ xin ngô đỏ về dùng cho văn hóa tâm linh. |
Nhiều người Mông ở Chế Cu Nha tin rằng những giống ngô bản địa khác rồi sẽ biến mất trong tương lai, nhưng có lẽ giống ngô cúa bua sẽ là một trong những giống buộc phải được lưu giữ lại, để qua đó có thể tiến hành các nghi lễ của người Mông. “Nếu mà mất ngô đó thì mất một phần lớn lịch sử văn hóa của người Mông” - Khang Nhà Trang, thầy cúng 64 tuổi tại Chế Cu Nha khẳng định.
Hiện nay, diện tích trồng ngô bản địa ước tính chiếm khoảng 35% diện tích cây trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại các viện hay trung tâm nghiên cứu hạt giống cây trồng, quá trình bảo tồn các hạt giống bản địa vẫn đang được diễn ra dù không thể tránh khỏi quá trình thất lạc. Theo đại diện Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng - nơi được nhận định đang lưu giữ nhiều loại hạt giống ngô bản địa, hạt giống được thu thập, làm khô và sau đó đóng chai, phân loại để lưu trữ theo đợt bảo tồn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các hạt giống được thu thập từ nhiều nhóm người Mông ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn nào cũng sẽ gặp thách thức khi sau một thời gian lưu trữ, hạt giống giảm sức sống và quá trình đi thu thập hạt phải bắt đầu. Điều này đồng nghĩa rằng trọng trách hàng đầu trong quá trình lưu trữ hạt giống bản địa nằm trong tay người Mông.
Sau hàng chục năm nghiên cứu về ngô, cùng với những ngày tháng đi thu thập hạt giống ngô bản địa của người Mông khắp miền núi phía Bắc, Giáo sư Vũ Văn Viết nhận định: “Ngô bản địa thì nhu cầu về dinh dưỡng và phân bón rất thấp, cứ thả đấy thôi chứ không cần quá nhiều vẫn có bắp, có hạt, vẫn năng suất. Nhu cầu dinh dưỡng thì theo canh tác tự nhiên là chính. Trong tương lai, người Mông phải quay về giống bản địa của họ”.
Trong bối cảnh lớn hơn về hạt giống ngô bản địa của các tộc người, Cultural Survival, một tổ chức về nâng cao quyền lợi của các nhóm dân tộc bản địa từng nhận định: “Việc bảo tồn hạt ngô bản địa là một ví dụ về mối quan hệ mang tính chu kỳ giữa người dân bản địa và thực phẩm của họ phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Mối quan hệ giữa người bản địa và thực phẩm truyền thống của họ cũng gắn liền trực tiếp với môi trường và khi các kiểu thời tiết, chất lượng đất và không khí cũng như những thay đổi về đa dạng sinh học xảy ra, thì mối quan hệ của chúng ta với đường ăn uống cũng vậy. Hạt giống ngô bản địa thể hiện tinh thần của tổ tiên chúng ta và có thể huy động toàn bộ cộng đồng để bảo vệ lãnh thổ, lối sống và hệ thống tri thức truyền thống của họ. Tiết kiệm hạt giống ngô bản địa là phương pháp thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu và đảm bảo hạnh phúc cho thế hệ tương lai”.
(Dưới sự hỗ trợ của Earth Journalism Network)
Rộn ràng làng hương Phja Thắp mỗi độ Tết về
Hương Phja Thắp tuy chỉ được bó bằng sợi rơm mộc mạc, nhưng mùi thơm thảo mộc của loại hương này khiến mỗi người con xa quê bồi hồi thương nhớ.