Giữa tâm dịch COVID-19, vải thiều Bắc Giang sẽ tiêu thụ như thế nào?

Vụ vải thiều năm nay Bắc Giang dự kiến sản lượng khoảng 180.000 tấn. Tỉnh này xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ giữa dịch Covid-19 đang lay lan trê địa bàn.

Vải thiều vụ năm 2021 của Bắc Giang đang bước vào thu hoạch. Năm nay, diện tích vải tại tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2020.

Để tiêu thụ vải giữa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang ngày 17/5 đã ban hành phương án tiêu thụ với 3 kịch bản. 

Theo kịch bản 1: Dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn). 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn). Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…

Với tình huống này, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử.

Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn).

Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… với sản lượng khoảng 55.000 tấn; các siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.

Kịch bản 3: Dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Theo đó, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước. Tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 30.000 tấn.

Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.

3.jpg
Lên kịch bản xuất khẩu vải thiều. 

Để hỗ trợ tiêu thụ vải, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm website, fanpage trên Facebook và landing page; hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang: https://www.san24h.vn và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và nước ngoài như: Lazada, Shopee, Tiki, Alibaba…

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang còn phối hợp với đại lý Alibaba.com tại Việt Nam hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) đưa vải thiều lên sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com, thời gian dự kiến từ ngày 17/5. 

Để tạo thuận lợi cho thương nhân nước ngoài mua vải thiều, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Các thương nhân này sẽ nhận thị thực tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Sau 21 ngày cách ly, các thương nhân sẽ được ra ngoài tiến hành giao dịch, thu mua vải thiều.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vải thiều năm nay được mùa. Dự kiến, tổng sản lượng vải cả nước đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với năm 2020. 

Riêng tại Bắc Giang, diện tích vải năm nay khoảng 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Diện tích vải thiều ở Hải Dương là 9.168 ha, sản lượng dự kiến đạt 55.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Điều này tạo  thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.

Năm nay, Cục Bảo vệ thực vật cử các chuyên gia về vùng vải giám sát, cấp giấy chứng nhận, niêm phong tại chỗ các lô hàng để chuyển ra sân bay xuất đi Nhật. 

Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp đang khảo sát vùng trồng để chuẩn bị mua vải xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường khác. Tỉnh đã chấp thuận cho 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc.

HẢI MY