Theo SCMP, đạo luật Ủng hộ Chính sách Tây Tạng 2019 được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo 392/22, trong đó có điều khoản yêu cầu chính phủ Mỹ bác bất cứ đề nghị nào từ phía Trung Quốc về việc mở lãnh sự quán mới trên đất Mỹ cho đến khi Bắc Kinh cho phép Washington đặt cơ sở ngoại giao tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.
Dự luật đưa ra lộ trình trừng phạt các quan chức Trung Quốc can thiệp vào quá trình chọn người kế nhiệm Đạt Lai Lạt Ma, cũng như yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu các nỗ lực đa quốc gia để bảo vệ nguồn nước ở cao nguyên Tây Tạng và mở rộng quyền lực cho điều phối viên đặc biệt của chính phủ về các vấn đề Tây Tạng, vốn vẫn để trống từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Cung điện Potala ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Ảnh: China Daily. |
Đây được coi như một phiên bản sửa đổi của Đạo luật Chính sách Tây Tạng năm 2002, luật hóa quan điểm ủng hộ chính thức của Washington đối với người dân Tây Tạng.
Phát biểu tại Hạ viện hôm qua, nghị sĩ James McGovern, người đệ trình dự luật, cáo buộc Trung Quốc tăng cường công nghệ giám sát ở Tây Tạng và từ chối đàm phán với các đại diện của Đạt Lai Lạt Ma, người được coi là thủ lĩnh của người Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959 sau khi Trung Quốc coi ông là một người ly khai.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng đệ trình một dự luật tương tự để bỏ phiếu tại Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ nhiều khả năng chưa bỏ phiếu về dự luật do đang tập trung vào phiên tòa xem xét bãi nhiệm Trump.
Việc Hạ viện thông qua dự luật Tây Tạng được xem là thách thức mới nhất nhằm vào Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền. Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 11 thông qua luật ủng hộ biểu tình Hong Kong. Vài tuần sau, Hạ viện thông qua dự luật kêu gọi chính phủ trừng phạt mạnh mẽ quan chức Trung Quốc bị cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Trung Quốc tuyên bố những động thái như vậy của quốc hội Mỹ là nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 12 tuyên bố những hành động của Mỹ liên quan đến vấn đề Tây Tạng là đầy định kiến và vi phạm luật quốc tế, nhưng không nói rõ là luật nào.