Đóng biên, truy vết, xét nghiệm hàng loạt và phong toả nhanh chóng mỗi khi có ca nhiễm xuất hiện, đó là những biện pháp quyết liệt mà Trung Quốc thực hiện để đảm bảo ngăn chặn Covid-19 trong bối cảnh bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh mất kiểm soát trong lần bùng dịch gần đây nhất đã đẩy người dân tới nỗi thất vọng và lần đầu tiên, những nghi ngờ về chiến lược Zero-Covid đã thành top trending trên mạng xã hội.
Do thời gian thực hiện các lệnh hạn chế kéo dài hơn so với dự kiến, hôm chủ nhật, ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nhiều người dân trong khu vực phong tỏa đã biểu tình phản đối. Trên mạng xã hội hiện có rất nhiều video chia sẻ về vụ việc này.
Một đoạn video đã ghi lại hình ảnh người đàn ông đứng trước hàng rào cách ly, gào thét đầy đau khổ với các nhân viên y tế: “Các anh không được làm như vậy, chúng tôi cần được ăn và còn phải trả tiền thuê nhà nữa”. Trong một clip khác, những người biểu tình hét lên “Mở ra! Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ phong tỏa!”
Đầu tháng này, Hội chợ thương mại ở thành phố Quảng Châu (Quảng Đông) đã bị phong tỏa đột ngột do phát hiện một ca dương tính. Trong các đoạn video được chia sẻ, hàng nghìn người đã cố gắng trốn thoát, một số người còn nhảy qua rào chắn để không bị nhốt lại trong khu vực cách ly.
Đây là những điều chưa từng thấy trong cuộc chiến hơn hai năm phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc. Mặc dù vẫn có nhiều người tuân thủ theo quy định, nhưng những trường hợp trên không phải số ít. Kể từ đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất đầu năm 2020, đến nay hàng triệu người vẫn đang phải cách ly và số lượng các ca nhiễm thì không ngừng tăng.
Chống đối cách ly
Dù Trung Quốc là đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và hạn chế được số tử vong vì Covid, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt vẫn đang được triển khai.
Số người mắc Covid ở 28 tỉnh thành nước này trong tháng 3 đã vượt quá 56.000. Không rõ trong số đó có bao nhiêu trường hợp nghiêm trọng, nhưng theo báo cáo chỉ có hai bệnh nhân tử vong kể từ khi bắt đầu đợt bùng phát mới nhất. Đầu tháng này, Trung Quốc có 29.000 ca nhiễm mới, trong đó khoảng 95% là bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hiện nay, một vài người dân Trung Quốc còn tin rằng các biện pháp bảo vệ sức khỏe còn phiền hà hơn cả bệnh tật.
Trên Weibo (nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc), câu hỏi tại sao Trung Quốc không nới lỏng hạn chế Covid như những quốc gia khác đã vượt lên thành top trending (xu hướng nổi bật) từ hôm thứ tư với hơn 500 triệu lượt truy cập. Chủ đề này đã được liên kết tới một bài phỏng vấn của người đứng đầu tổ tư vấn Covid-19 thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc phải tiếp tục “kiên trì” với chiếc lược bảo vệ người dân.
Phản ứng này khác hoàn toàn với phản ứng của cộng đồng mạng trong quá khứ.
Vào mùa hè năm ngoái ở Thượng Hải, Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong) - Chủ nhiệm Trung tâm các bệnh truyền nhiễm bệnh viện Hoa Sơn (trực thuộc ĐH Phúc Đán) - đã bị tấn công trên mạng xã hội do đã có phát biểu cho rằng rồi đất nước cũng sẽ phải tìm ra cách để sống chung với virus. Nhưng hiện nay những ý kiến tương tự ngày càng nhiều, khi người dân phải đối mặt với các hạn chế trong cuộc sống hàng ngày kể từ đợt bùng phát gần nhất.
Có ít nhất 25 triệu người bị phong toả trong bốn thành phố ở hai tỉnh phía Bắc Trung Quốc là Cát Lâm và Hà Bắc. Bên cạnh đó, trong tháng này, rất nhiều người đã phải chịu các lệnh phong tỏa từng khu vực, ngay cả ở hai đầu tàu kinh tế là Thượng Hải và Thâm Quyến.
Phiền toái từ các biện pháp chống dịch
Thứ Tư tuần trước, một nữ y tá ở Thượng Hải tử vong do lên cơn hen suyễn, nhưng các bệnh viện, bao gồm cả bệnh viện Phố Đông Thượng Hải - nơi cô làm việc - đã từ chối tiếp nhận. Trong thông báo hôm thứ Sáu, phía bệnh viện cho biết thời điểm gia đình nữ y tá đưa cô đến, phòng cấp cứu đang tạm ngừng hoạt động để khử trùng Covid-19. Một số khoa cấp cứu và ngoại trú khác ở Thượng Hải cũng phải đóng cửa do có tiếp xúc với các ca dương tính.
Ấp Kinh Lôi (Wu Jinglei), Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Thượng Hải đã gửi lời chia buồn đến gia đình nữ y tá, đồng thời cam kết sẽ hạn chế các bất cập đối với dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là các phòng cấp cứu trong giai đoạn này.
Ở Thượng Hải, các phản ánh của người dân về việc không được điều trị y tế hoặc không được tiếp tế đầy đủ đang lan truyền mạnh mẽ. Vấn đề này, bác sĩ Trương Văn Hoành đã từng nhấn mạnh là “phải được giải quyết trong tương lai”. Hôm thứ Năm tuần trước, trên tài khoản Weibo đã được xác minh, ông Trương tiếp tục chia sẻ: ““Nếu vấn đề này không nhanh chóng được giải quyết, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ mang lại tổn hại rất lớn”.
Cũng trong ngày hôm đó, Thượng Hải xác nhận có 1.609 ca nhiễm mới Covid-19, cho thấy thành phố 25 triệu dân đang phải đối mặt với đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mặc dù các nhà chức trách đã phủ nhận kế hoạch phong tỏa toàn thành phố, song nhiều người dân cho biết ngày càng có nhiều khu dân cư buộc phải cách ly để tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Đây được cho là một phần của chiến lược “phong tỏa cuốn chiếu” nhằm “tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát” mà chính quyền địa phương đã cam kết hôm thứ Tư.
Nhiều người dân phàn nàn trên mạng xã hội về việc phong tỏa vẫn tiếp tục kéo dài mà không được thông báo, và hệ thống tiếp tế thì không đủ để đáp ứng từng nhà dù cho Thượng Hải là thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước.
Sau khi Thượng Hải đóng cửa 15 ngày, một người dùng Weibo đã chia sẻ: “Làm thế nào để tôi có thể đi mua đồ dùng? Tôi không ra ngoài để mua thuốc cho con mình được. Chúng tôi không thể đặt mua online khi mà không có đơn thuốc của bác sĩ”
Một người khác cũng than phiền rằng cô không có đủ vật phẩm thiết yếu dù chính phủ đã khẳng định sẽ cung ứng hàng hóa đầy đủ và người dân không cần phải tích trữ. Cô viết: “Họ nói rằng sẽ có đủ thức ăn, nhưng lại không đề cập đến vấn đề thiếu nhân lực giao hàng”.
Hôm thứ Tư, các cơ quan y tế Thượng Hải đã giải đáp thắc mắc làm thế nào để người dân ở quận Gia Định có thể phản ánh các vấn đề gặp phải khi mua các mặt hàng thiết yếu. Nhà chức trách nhấn mạnh rằng, họ đang rất nỗ lực để đảm bảo nguồn cung bằng cách hỗ trợ người dân đặt mua đồ dùng trên các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, họ cũng đã sắp xếp, phân phối một khối lượng hàng hóa lớn và giải thích ở một số khu vực xuất hiện sẽ phải tiếp tục phong toả do có ca dương tính mới, quá trình sàng lọc phải làm lại từ đầu.
Ngày 22/03/2022, người dân Thâm Quyến xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 (Nguồn: CNN) |
Bao giờ kết thúc?
Các quan chức y tế Trung Quốc tỏ ra khá mơ hồ khi được hỏi liệu bao giờ chiến lược Zero-Covid sẽ kết thúc.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba, Lương Vạn Niên (Liang Wannian) - một nhà dịch tễ học cố vấn cho Chính phủ - cho biết, trong khi chờ dịch bệnh trên thế giới bớt căng thẳng, các biến thể trở nên ít nguy hiểm hơn, các phương pháp điều trị và vaccine chủ động sẵn sàng hơn - thì Trung Quốc vẫn phải kiên trì với chiến lược này, không được dao động.
Ông Lương chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc để đưa ra các biện pháp thích hợp hơn”.
Tuy nhiên, đối với những người đang đếm từng ngày để được gỡ bỏ phong tỏa thì những câu trả lời như vậy không đủ thỏa mãn.
Trong tuần này, một chia sẻ trên Weibo đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng phức tạp ở Thượng Hải có thể sẽ tiếp tục kéo dài: “Chính quyền đã không nghiên cứu kỹ càng vấn đề này sao? Cái giá mà những người trong khu vực phong tỏa phải trả là quá lớn”.
Đừng để khách hàng quay lưng khi tài khoản "bốc hơi", ngân hàng vô can?