Nợ công Trung Quốc cản trở các nền kinh tế châu Á
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, chính phủ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, dự kiến tăng cường vay mượn trong những năm tới khi chi tiêu nhiều hơn cho dân số già và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Theo dữ liệu của IMF, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý về việc tăng đáng kể tỷ trọng của nước này trong tổng nợ toàn cầu, từ 5% lên 20% kể từ năm 2008. Ngược lại, nợ của Mỹ vẫn ổn định trong cùng khung thời gian, ở mức 29%.
"Mỹ và Trung Quốc đứng đầu thế giới về nợ công. Nếu bỏ Mỹ và Trung Quốc, tỉ lệ nợ công trên GDP sẽ giảm xuống trên toàn cầu", ông Vitor Gaspar, người đứng đầu bộ phận các vấn đề tài chính của IMF nói.
Joyce Chang, chủ tịch nghiên cứu toàn cầu tại ngân hàng JP Morgan, cho biết tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng 12 điểm phần trăm trong năm ngoái, lên 282%. Con số này cao hơn nhiều" mức trung bình 256% của thị trường phát triển và "gánh nặng trả lãi suất cao sẽ lấn át" khả năng huy động thêm của chính quyền địa phương.
Chính quyền các khu vực ở Trung Quốc đã phải đối mặt với căng thẳng tài chính khi họ tìm cách giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Sự sụt giảm bất động sản trong nước đã làm trầm trọng thêm vấn đề khi cắt giảm phần lớn doanh thu mà chính phủ có thể nhận được từ các nhà phát triển bất động sản cho thuê đất.
Sự tham gia của nước ngoài vào thị trường nợ của Trung Quốc tương đối thấp, rủi ro trong kịch bản này ít hơn về sự lây lan toàn cầu mà nhiều hơn về hiệu ứng dây chuyền giữa các nước láng giềng.
Gánh nặng nợ gia tăng và các yếu tố khác đang kéo nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như tình trạng sụt giảm tài sản đang diễn ra, đã khiến tốc độ tăng trưởng của nước này thấp hơn kỳ vọng 4,8% của chính phủ trong năm nay.
Các nhà xuất khẩu hàng hóa ở nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ bị ảnh hưởng, không gây ra sự sụp đổ kinh tế mà là một kịch bản tăng trưởng chậm hơn.
Cơn ác mộng nợ công của Mỹ
Trong khi đó, IMF dự đoán nợ của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới một phần vì Washington đang chi nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, cũng như cho các dự án năng lượng sạch và các chính sách kinh tế trong nước.
Kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, Chính phủ Mỹ đã liên tục vay nợ để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch lớn nhất lịch sử ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, làm xáo trộn thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo Jeromin Zettelmeyer, giám đốc tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels: "Ở Mỹ, có những khoản thâm hụt có thể nhìn thấy được và các ưu tiên chính trị không phải là giảm bớt những khoản thâm hụt này một cách đáng tin cậy".
Những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và các giải pháp của chính phủ lớn nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói, được gọi là "Bidenomics" là những ưu tiên cốt lõi trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Với những mục tiêu xác định chính sách của Nhà Trắng, có rất ít khả năng cho thấy Mỹ có thể giảm bớt thâm hụt khiến chính phủ Mỹ gần như rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm nay.
Thử thách ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các số liệu thống kê gần đây chỉ ra tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như nắng nóng kỷ lục ở Mỹ vào mùa hè này, xuất hiện trên các tiêu đề hàng ngày.
Tuần này, Cục Điều tra Dân số Mỹ công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ nghèo của đất nước đã tăng vọt lên 12,4% vào năm ngoái, từ mức 7,8% vào năm 2021, do một loạt phúc lợi liên bang nhằm giúp các gia đình đủ tiền mua thực phẩm và nhà ở trong thời kỳ đại dịch đã hết hạn.
Đạo luật Giảm lạm phát được ông Biden ủng hộ đã chi gần 400 tỷ USD tài trợ liên bang cho năng lượng sạch nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon của quốc gia vào năm 2030. Khoản tiền này sẽ được phân phối thông qua sự kết hợp của các ưu đãi thuế, trợ cấp và bảo lãnh cho vay.
"Những xung đột phân phối xung quanh cách quản lý các mức nợ này thực sự có thể chia rẽ xã hội và tạo thêm cơ hội cho chủ nghĩa dân túy và sự chia rẽ mà chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ", Zettelmeyer nói.
Điều này chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn và tất nhiên, nhiều người cho rằng "nạn nhân" chính đầu tiên của tất cả những điều này sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
(Nguồn: SCMP)