Hành trình vượt bạo bệnh tới những người truyền “lửa” cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Có những bệnh nhân từng đối mặt với ranh giới sinh tử, được các bác sĩ cứu sống, sau đó quay lại cống hiến cho ngành y để trả ơn cuộc đời. Vượt qua bạo bệnh, họ nỗ lực ở nhiều vị trí khác nhau, trở thành “người truyền lửa”, động lực cho hàng ngàn bệnh nhân khác vẫn đang chống chọi với bệnh hiểm nghèo mỗi ngày.

Vượt qua bạo bệnh, thấy yêu nghề điều dưỡng hơn

Chị Vi Thị Tân - nữ điều dưỡng của Trạm Y tế thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) từng trải qua một ca phẫu thuật thay đổi cuộc đời. Năm 2019, chị là bệnh nhân được ghép tim nhân tạo bán phần, điều trị bệnh suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. “ Sức khỏe của chị Tân hiện nay còn vượt hơn sự mong đợi ban đầu của ekip ghép ”, Ths-BS Phạm Thị Tuyết Trinh, Trung tâm Tim mạch Vinmec – người đã theo sát diễn biến sức khỏe của chị Tân cho biết.

Hành trình vượt bạo bệnh tới những người truyền “lửa” cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo- Ảnh 1.

Trong những năm sau đó, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Vinmec vẫn tiếp tục hỗ trợ và theo dõi sức khỏe định kỳ cho nữ điều dưỡng. Thời gian dịch COVID-19, chị không đến khám lấy thuốc được, các bác sĩ đã mang ra bến xe gửi về tận nhà để chị được uống thuốc đầy đủ, tránh các nguy cơ biến chứng.

Sau phẫu thuật, sức khỏe ổn định nên chị ít phải nghỉ làm, đã thi được vào công chức, nâng bậc thành công, học tiếng Anh tiến bộ. Vợ khỏe mạnh, anh Bằng, chồng chị cũng dành được thời gian cho công việc nhiều hơn, thu nhập của cả gia đình đều tăng.

Mang niềm tin đến những bệnh nhân ung thư xương

Chị Lê Thị Hòa (28 tuổi) từng là một bệnh nhân ung thư xương. Phát hiện bệnh khi đang là sinh viên năm thứ 3 Học viện Bưu chính Viễn thông, chị đã phải trải qua 8 đợt hóa trị, 3 lần phẫu thuật chỉ trong vòng 2 năm. Trải qua những ngày tưởng chừng cận kề cái chết, chị may mắn được ghép xương đùi nhân tạo. Đây là ca phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của GS-TS Trần Trung Dũng, hiện là Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Vinmec.

Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Chị Hòa đã giữ được đôi chân và có thể đi lại bình thường. Mọi việc sau đó diễn ra như mơ. Chị kết hôn với người bạn trai đã đồng hành cùng chị trong suốt thời gian điều trị và đón thiên thần nhỏ vào cuối tháng 3 vừa qua – điều được coi kỳ tích với một người từng điều trị ung thư xương hóa trị nhiều lần. Các bác sĩ cho biết, hiện tại sau phẫu thuật hơn 4 năm, các chỉ số sức khỏe của chị Hòa tốt, không có dấu hiệu bệnh tái phát. Sau ca sinh mổ, cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Trong hành trình đặc biệt của mình, chị Hòa chia sẻ, điều chị mong muốn là có nhiều bệnh nhân ung thư xương cũng sẽ sớm có cuộc sống viên mãn. Vì thế, năm 2021, sau khi được GS-TS Trần Trung Dũng điều trị bệnh ổn định, chị đã mạnh dạn ngỏ ý với ân nhân về mong muốn được làm việc trong lĩnh vực y tế, và ngay tại Vinmec . Giờ đây, mỗi ngày, trên cương vị là thư ký chuyên môn cho GS-TS Trần Trung Dũng, chị không chỉ hoàn thành tốt công việc hỗ trợ công tác điều trị cho người bệnh, mà còn tích cực chia sẻ để truyền cảm hứng cho các bạn cùng cảnh ngộ.

Giống như chị Hòa, bệnh nhân Hoàng Thị Minh (sinh năm 2001) sau khi được điều trị ổn định sức khỏe, đã lựa chọn Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Y học thể thao Vinmec để tiếp tục theo đuổi những ước mơ giúp đỡ những bệnh nhân khác của mình.

Từ Vinmec, những câu chuyện truyền cảm hứng vẫn đang được nối dài nhờ những đột phá trong công tác điều trị và nghiên cứu cùng nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội. Đó là cách Vinmec nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh cũng như lan tỏa những tình cảm ấm áp về người thầy thuốc cùng thông điệp tích cực về sự phát triển mạnh mẽ của y học Việt Nam hiện nay.

HỒNG NGỌC