Hậu COVID-19: Căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng đến mức mất kiểm soát?

Cuộc tranh luận đã trở nên sôi nổi về việc thế giới “mới” nào sẽ xuất hiện sau đại dịch COVID-19.

Không có gì mới về hy vọng một cuộc khủng hoảng toàn cầu sẽ mở ra cơ hội cho hòa bình và hợp tác, và không có gì mới về cách nó sẽ diễn ra. Thế giới sẽ tiếp tục như trước vì không có gì thay đổi về mặt địa chính trị trong vài tháng qua, ngoại trừ những xu hướng chính đã tăng tốc.

Lướt nhanh tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể thấy căng thẳng và xung đột vẫn tiếp diễn. Hôm 8/5, một cuộc đấu súng đã nổ ra khi quân đội Trung Quốc vượt qua biên giới vào Thung lũng Muguthang thuộc bang Sikkim, một khu vực tranh chấp lâu nay nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ nhưng Bắc Kinh tuyên bố là bị chiếm đóng bất hợp pháp. Căng thẳng đã gia tăng kể từ tháng 1/2020.

Tháng 4 vừa qua, một tàu hải giám của Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu đánh cá của Việt Nam tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa. Ngoài việc nằm trên các tuyến đường vận chuyển quan trọng, quần đảo này cũng cho phép tiếp cận với các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng dưới đáy biển rất phong phú.

Hậu COVID-19: Căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng đến mức mất kiểm soát?

Bắc Kinh đã tuyên bố Sikkim và toàn bộ Biển Hoa Nam (Biển Đông) là lãnh thổ của mình căn cứ vào sự thống trị lịch sử của Trung Quốc đối với các khu vực này. Hôm 4/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, để phù hợp với khu vực mà họ đã thiết lập ở Biển Hoa Đông, nơi họ có tranh chấp với Nhật Bản.

Mục đích của ADIZ này là thừa nhận Trung Quốc chính thức mở rộng không phận của họ trên phần lãnh thổ hàng hải mở rộng mà họ tuyên bố chủ quyền. Mỹ, cùng với các cường quốc hàng hải khác gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Pháp đã tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” để thể hiện sự bác bỏ những yêu sách về lãnh thổ của Bắc Kinh.

Hôm 28/4 vừa qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khoe rằng họ “đã trục xuất một tàu chiến Mỹ xâm nhập lãnh hải Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa” ở Biển Đông. Câu chuyện trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, có một bức ảnh về một tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa, nhưng không hề có tiếng súng trong cuộc đối đầu này.

Tất cả những gì PLA đã làm là “triển khai các lực lượng hải quân và không quân để theo dõi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ”. Họ đã cảnh báo tàu này rời khỏi khu vực và tuyên bố tàu đã bị trục xuất sau khi đã hoàn thành việc quá cảnh qua khu vực. Một tuyên bố mạnh mẽ của PLA nhằm mục đích tuyên truyền càng làm gia tăng căng thẳng.

Như câu chuyện của tờ Thời báo Hoàn Cầu đã khẳng định, “các tàu chiến và máy bay của Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Hoa Nam, biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan thời gian qua. Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết hoàn thành nghĩa vụ, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Hoa Nam”.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, chính Mỹ và các đồng minh đang kích động xung đột bằng cách thực thi luật pháp quốc tế. Eo biển Đài Loan cần được nhắc đến khi căng thẳng đang gia tăng ở khu vực này sau khi Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử. Bà lãnh đạo đảng Dân Tiến (DPP) dựa trên chủ nghĩa dân tộc Đài Loan. DPP đã phát triển mạnh mẽ khi các thế hệ trẻ tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. Đài Loan đã bị Bắc Kinh cai trị chỉ trong 4 năm (từ 1945 đến 1949).

Thái độ cứng rắn của bà Thái Anh Văn đang khiến căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Thái độ cứng rắn của bà Thái Anh Văn đang khiến căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Một bài báo đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11/5 cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng khai thác “lòng nhiệt thành dân tộc chủ nghĩa” đang gia tăng trên mạng xã hội Trung Quốc để kêu gọi xâm lược Đài Loan.

Bài báo cũng lưu ý, “mới đây, một số nhà bình luận và cựu chỉ huy quân sự đã kêu gọi Bắc Kinh giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này…. Một số cựu lãnh đạo quân đội đã lập luận rằng Mỹ- vốn bị ràng buộc bởi đạo luật để giúp chính quyền Đài Loan phòng thủ- hiện không thể làm như vậy vì cả 4 tàu sân bay của họ ở Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”.

Sau khi các tàu sân bay Theodore Roosevelt và Ronald Reagan của Mỹ phải quay trở lại cảng để xử lý các ca nhiễm virus trong số thủy thủ đoàn của họ, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng đội tàu hộ tống qua “chuỗi đảo đầu tiên” tiến vào Thái Bình Dương để chứng minh họ là siêu cường khu vực. Mỹ đã đáp trả bằng cách đưa quân tiếp viện và đẩy mạnh tiến độ hoạt động để đối phó với bất kỳ nhận thức nào cho rằng Mỹ yếu kém.

Một bài báo trước đây của SCMP đã trích dẫn ý kiến các chiến lược gia Trung Quốc, trong đó lo ngại một cuộc xâm lược hòn đảo dân chủ này sẽ quá tốn kém và Bắc Kinh sẽ phải huy động lực lượng lớn hơn để làm điều đó.

Tuy nhiên, một bài viết dài của PLA công bố hôm 12/5 đã báo cáo về việc “PLA đã nhiều lần thực hiện các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Eo biển Đài Loan… kể từ tháng 2 năm nay” và quân đội Trung Quốc "quyết tâm và có khả năng ngăn cản mọi hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Loan”. 

Bài báo trực tiếp cảnh báo Mỹ khi nhấn mạnh: “Vấn đề Đài Loan là mối quan tâm chính của Trung Quốc và là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc vốn “không thể bị thách thức”, và nếu Mỹ “liên tục thăm dò và thậm chí vượt qua lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cuối cùng họ sẽ tự rước họa vào mình”.

Chủ tịch Tập Cận Bình rất kiên quyết rằng Đài Loan “phải và sẽ” được sáp nhập trở lại vào Đại lục và có thể là ngay trong nhiệm kỳ của ông. Xa hơn về phía Bắc, Nhật Bản đã công bố Đánh giá chiến lược Đông Á 2020, trong đó tuyên bố một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vượt ra ngoài liên minh Nhật-Mỹ để mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN. Nhật Bản đã ký các thỏa thuận mua sắm quốc phòng với các lực lượng vũ trang của Australia, Anh, Canada và Pháp.

Một thỏa thuận khác đang chờ xử lý với Ấn Độ. Tokyo cũng sử dụng viện trợ quân sự để xây dựng mối quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực này đều nhằm xây dựng một liên minh để ngăn chặn một Trung Quốc đang đe dọa các hòn đảo hình thành một liên kết chiến lược giữa Tokyo và Đài Bắc.

Hậu COVID-19: Căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng đến mức mất kiểm soát?

Tàu sân bay Ronald Reagan, neo đậu tại căn cứ ở Nhật Bản, hiện đã quay trở lại vùng biển. Và để lấp đầy khoảng trống trong lúc chờ tàu sân bay Theodore Roosevelt phục hồi ở đảo Guam, tàu sân bay tấn công đổ bộ Mỹ (hiện đang chở theo máy bay chiến đấu F-35B) và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Bunker Hill hoạt động ngoài khơi Malaysia gần khu vực tranh chấp giữa Indonesia và Trung Quốc.

Sự bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á không bị giới hạn trên biển. Bắc Kinh đã xây dựng một loạt đập ở thượng nguồn sông Mekong để sản xuất điện cho miền Nam Trung Quốc. Nhưng những con đập này cũng mang lại cho Bắc Kinh ảnh hưởng đối với các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào sông Mekong để canh tác và đánh bắt cá.

An ninh lương thực đã bị hạn hán đe dọa và tiếp tục bị đe dọa bởi dòng chảy thất thường từ các đập nước ở Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước yêu cầu của Australia mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Bắc Kinh đang đe dọa thương mại với Canberra.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 13/5 cho biết Trung Quốc coi thương mại là một phần của chính sách đối ngoại, “khi thế giới xâm nhập thị trường của người mua, Trung Quốc có quyền lựa chọn các đối tác thương mại có thể tối đa hóa lợi ích của mình”.

Mỹ đã gia tăng sự ủng hộ đối với những ai chống lại sự xâm lược của Trung Quốc kể từ thời chính quyền Obama với chính sách “xoay trục” từ Trung Đông sang Vành đai Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã miễn cưỡng tấn công vào gốc rễ kinh tế của sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump đã tập trung vào kinh tế quốc tế, nhắm mục tiêu vào việc nước Mỹ để mất việc làm và năng lực sản xuất vào tay Trung Quốc và việc Bắc Kinh đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Đại dịch COVID-19 đã “giúp” công chúng Mỹ nhận ra sự phụ thuộc nguy hiểm của Mỹ vào nhiều loại hàng hóa chiến lược của Trung Quốc, từ thuốc đến vật tư y tế, và đặc biệt là điện tử, thép, phụ tùng ô tô và một loạt chuỗi cung ứng quan trọng. Những nỗ lực để tách khỏi Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng đang được các bộ Ngoại giao và Thương mại Mỹ thực hiện.

Hy vọng rằng nhiều ngành trong số này có thể được đưa trở lại Mỹ, nhưng ngay cả khi chúng chỉ chuyển hướng sang các đối tác thương mại là đồng minh hoặc liên kết với Mỹ, thì lợi ích an ninh sẽ rất quan trọng.

New Delhi đang chủ động, gửi thư mời tới 1.000 công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc, yêu cầu họ chuyển hoạt động kinh doanh sang Ấn Độ. Trump đã tích cực “tán tỉnh” Thủ tướng Narendra Modi về một loạt dự án công nghệ cao và bán vũ khí. Ấn Độ đã được xếp là đối tác quốc phòng lớn của Mỹ.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương