Lớp học bị khoá trái cửa. Bên trong, nhiều học sinh lớp 7 nói hỗn, châm chọc cô giáo. Rồi đứa nhảy lên bàn, đứa trèo lên ghế. Sau đó, chúng dồn cô giáo vào một góc lớp để nhục mạ. Một nam sinh chỉ tay năm ngón, nói năng hỗn hào, vênh mặt lên thách thức, sau đó tự dưng lăn đùng ra la làng là cô giáo đánh mình. Cô giáo thể hiện sự bất lực bằng cách đứng im, bật điện thoại quay lại cảnh diễn ra. Xung quanh có nhiều học sinh chứng kiến, hò reo.
Trong cảnh hỗn loạn, nhiều chiếc dép được ném liên tục vào người cô giáo. Một chiếc dép ném trúng trán khiến cô choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu.
Nhiều người so sánh, giáo viên đứng giữa đám học sinh như đứng giữa bầy sói chỉ nhăm nhe "xâu xé" mình. Cảnh tượng ấy ở trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang), mấy hôm nay đang khiến nhiều giáo viên và cả phụ huynh vừa xót xa, vừa đau lòng.
Trước đó, chuyện học sinh dùng lời lẽ tục tĩu để chửi giáo viên, bắt giáo viên "im lặng khi em nói", hay nhục mạ tập thể giáo viên cũng đã rất nhiều lần xảy ra. Những vụ việc như vậy đang thể hiện rõ sự mất cân bằng trong văn hóa giáo dục và sự bất an của nghề giáo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, ngoài việc thầy cô giáo và nhà trường đang phải chịu nhiều sức ép, thiếu sự tôn trọng nên xảy ra những vụ việc đau lòng thì một trong những nguyên nhân chính là trẻ con ngày nay đang được "sùng bái" quá mức.
"Những thông tin qua các clip cũng như trên không gian mạng chỉ là một phần sự việc. Ở đây tôi không nói học sinh hay là cô giáo sai, bởi vì câu chuyện này là hệ quả của một cái sai tích lũy từ rất lâu rồi. Thầy không ra thầy, trò không ra trò, trường không ra trường, lớp không ra lớp, và cả phụ huynh cũng không ra phụ huynh nữa. Kết tội cho bên nào đều vô nghĩa, cần nhìn sâu và rộng hơn để thấy cái nguyên nhân cốt lõi phía sau", ông Nam nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cũng có những trao đổi xoay quanh vấn đề này:
"Thầy cô giáo và nhà trường đang ở vị trí rất thấp và dễ dàng bị tấn công, bị bắt phải trả giá nếu xảy ra vấn đề"
- Hàng loạt học sinh mới lớp 7 cùng "bắt tay" nhục mạ giáo viên, lớp học hỗn loạn, nhiều người cho biết họ phải dùng 2 chữ kinh hoàng để diễn tả vì nó ngoài sức tưởng tượng. Anh có suy nghĩ ra sao khi xem và đọc các thông tin liên quan đến vụ việc đau lòng này?
Các bạn học sinh trong câu chuyện này biết rõ là giáo viên và nhà trường sẽ không dám làm gì các bạn ấy. Và biết rõ là nếu có chuyện gì xảy ra thì cộng đồng, xã hội, và các cấp lãnh đạo sẽ đứng về phía mình. Với điện thoại thông minh ở trên tay và sự ủng hộ của bạn bè, nhiều đứa trẻ còn nhỏ đã rất tự tin, dứt khoát và mạnh mẽ tấn công giáo viên của mình. Sức mạnh đó chỉ có thể đến từ một niềm tin chắc chắn về sự không thể bị trừng phạt.
Khi con người ta tin rằng sẽ không phải chịu trách nhiệm về các hành động của bản thân thì họ có thể làm bất cứ điều gì. Điều này đã được khẳng định trong một số nghiên cứu Tâm lý học về sự hồn nhiên của cái ác. Tất nhiên thầy cô giáo và nhà trường cũng biết rõ là họ hoàn toàn ở thế yếu trong những xung đột kiểu này. Chỉ cần "đụng" một chút là bị xử lý bị quy chụp rất nặng nề.
- Nhiều người nhận định, "quyền lực" của giáo viên không còn được như xưa. Giáo viên ngày nay sợ cả phụ huynh lẫn học sinh vì đụng chút là bị "bóc phốt", vì vậy họ không dám mạnh tay xử phạt học sinh. Anh nghĩ có phải đây là nguyên nhân khiến các vụ việc đau lòng như học sinh nhục mạ, hành hung giáo viên trở nên phổ biến?
Chuyện giáo viên ngày càng sợ học sinh, sợ phụ huynh, sợ cộng đồng mạng... là chuyện mà ai cũng biết. Còn cấp trên của họ lại sợ truyền thông, sợ cộng đồng mạng và sợ cấp trên cao hơn nữa... Kết quả là có chuyện gì xảy ra thì cứ đem thầy cô và nhà trường ra "xử" trước và "xử" nặng. Điều đó làm cho nỗi sợ của giáo viên và nhà trường trở lên lớn hơn bao giờ hết, đồng thời học sinh và phụ huynh cũng trở nên quá đáng hơn bao giờ hết.
Giáo viên và nhà trường ngày càng có ít thẩm quyền và phương tiện để giáo dục trẻ. Chúng ta đòi hỏi họ rất nhiều nhưng không cho họ đủ thẩm quyền và phương tiện để giáo dục con cái chúng ta. Thầy cô giáo và nhà trường đang ở vị trí rất thấp và dễ dàng bị tấn công, bị bắt phải trả giá nếu xảy ra vấn đề.
Chúng ta đang bắt đầu đi vào thời kỳ sùng bái trẻ em, nếu không nhận diện vấn đề và kịp thời điều chỉnh thì sẽ phải trả giá
- Khi một sự việc xảy ra, luôn có chiều dư luận cho rằng, nguyên nhân có thể là do giáo viên trước đó có hành vi không đúng chuẩn nên học trò mới phản ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, dù giáo viên có ứng xử thiếu kỹ năng sư phạm thì học trò cũng không được có những hành động hỗn láo. Theo anh, tại sao vẫn có luồng dư luận bênh vực cái sai như vậy?
Chuyện xảy ra là hệ quả của một cái sai tích lũy từ rất lâu rồi, trong đó thầy không ra thầy, trò không ra trò, trường không ra trường, lớp không ra lớp, và cả phụ huynh cũng không ra phụ huynh nữa. Cần nhìn sâu và rộng hơn để thấy cái nguyên nhân cốt lõi phía sau.
Người lớn có đầy đủ thẩm quyền và kiểm soát mọi nguồn lực giáo dục trẻ em, người lớn cho trẻ em như thế nào thì trẻ em được như thế. Vì vậy khi trẻ em có vấn đề thì lỗi trước tiên thuộc về người lớn. Sự hỗn xược của trẻ em với người lớn nếu có đều do người lớn cho phép. Người lớn đề cập ở đây là cộng đồng, xã hội, trong đó quan trọng nhất là cha mẹ học sinh và những người làm công tác quản lý văn hóa, giáo dục, chứ không chỉ là thầy cô giáo và nhà trường. Cả gia đình và nhà trường chưa tạo cho học sinh những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người.
Việt Nam đang bắt đầu đi vào thời kỳ "sùng bái" trẻ em và giới trẻ, nếu không nhận diện vấn đề và kịp thời điều chỉnh thì diễn biến sẽ ngày càng tệ và xã hội sẽ phải trả giá. Cho đến khi nào chúng ta nhận ra vấn đề và quyết định thay đổi thì cũng phải sau đó vài chục năm vấn đề mới có thể được khắc phục. Vì những thay đổi trong giáo dục chỉ mang lại tác dụng sau một vài thế hệ!
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam |
- Trong chia sẻ của mình anh có nói: Nếu người lớn không dạy cho trẻ em văn hóa của mình, hệ giá trị của mình, mà để trẻ em tự học nhau và để cho văn hóa bất kính của trẻ lên ngôi thì hết sức nguy hiểm. Anh có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?
Trong xã hội truyền thống, trẻ em không có văn hóa riêng mà các bạn sống theo và tuân thủ văn hóa của người lớn. Trẻ em ngày nay khác, các bạn nhỏ sống cùng nhau cả ngày ở trường, trong các tổ chức, tương tác mạnh mẽ và liên tục với nhau ngoài đời cũng như trên mạng, do đó các bạn trẻ có văn hóa riêng. Đặc thù văn hóa riêng của giới trẻ hiện nay là sự bất kính và vô ơn. Họ thích thể hiện sự thiếu tôn trọng với người lớn, với bạn bè và với tất cả mọi đối tượng xung quanh.
Nếu người lớn không dạy cho trẻ em văn hóa của mình, hệ giá trị của mình, mà để trẻ em tự học nhau và để cho văn hóa bất kính của trẻ lên ngôi thì hết sức nguy hiểm. Trong xu hướng Tây hóa cực kì mạnh mẽ, người lớn ở ta hiện nay trở nên hết sức rụt rè trong việc dạy trẻ em văn hóa của mình. Họ cảm thấy tự ti, không có đủ niềm tin vào giá trị văn hóa của bản thân và giá trị văn hóa truyền thống.
Vì vậy họ thường dạy con cái những thứ học lỏm được từ phương Tây, hoặc giao phó con cho những người mà họ cảm thấy “Tây hơn” dạy con cái họ. Kết quả là trẻ tự dạy nhau trong sự bối rối và bất lực của người lớn. Tôi cho rằng người lớn nên tự tin hơn trong việc dạy con trẻ giá trị văn hóa truyền thống, kính trọng người già, nghe lời cha mẹ và thầy cô giáo, tuyệt đối không nên coi trẻ em là cái rốn của vũ trụ.
- Xin cảm ơn anh.
Cặp vợ chồng 11 năm liên tục thay đổi nghề nghiệp, giáo viên dò hỏi mới ngã ngửa: Đúng là sinh ra đã "ngậm thìa vàng"
Hiệu trưởng đã yêu cầu được gặp và trò chuyện với phụ huynh. Vào cuối năm 2017, nghề nghiệp của họ đã được phơi bày.