Tại cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19 chiều 17/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trên 15 ngày qua không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, không có nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo, không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, công cuộc phục hồi phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Hơn 21.000 doanh nghiệp giải thể, TP.HCM xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho đối tượng bị ảnh hưởng COVID-19. Ảnh: VnExpress. |
Số liệu thống kê mới nhất đến 31/7, TP.HCM có trên 23.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã có hơn 21.000 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và giải thế, dẫn đến giảm số vốn trên 12.600 tỷ đồng.
Đi kèm với thực tế này là hàng chục nghìn người bị mất việc làm, tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Theo ông Phong, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch. Trước dịch, có những khách sạn đạt tỷ lệ lấp đầy phòng lên đến 70-80% nhưng hiện nay nhiều khách sạn 3 sao, 4 sao của Saigontourist chỉ đạt 2-3%.
Không có du khách kéo theo giảm hiệu suất thu từ du lịch, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. HCM. Hiện 62% tổng giá trị sản phẩm của thành phố đến từ dịch vụ, nên cơn bão COVID-19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế.
Đây là thử thách thành phố cần vượt qua, cần tìm những giải pháp cụ thể, thích ứng với tình huống mới để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chủ tịch các quận, huyện rà soát lại xem hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn mình có chính xác không. Đồng thời, cố gắng lắng nghe doanh nghiệp đang khó khăn gì, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của quận, huyện thì chủ động chia sẻ, tháo gỡ.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng gói hỗ trợ thứ hai cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cùng với đó, ông yêu cầu duy trì giao ban kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh tế doanh từ cấp quận, huyện đến TP, đồng thời thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình.
“Yêu cầu các cấp, các ngành xác định tâm thế sống chung với dịch bệnh và chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với việc triển khai các biện pháp phát triển kinh tế xã hội, giữ thế chủ động trong công tác phòng, chống dịch”, ông Phong chỉ đạo.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong hai tuần đầu tháng 8, doanh thu các mặt hàng thiết yếu của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã giảm khoảng 10%, lượng khách giảm đến 50%. Người dân TP.HCM có tâm lý đề phòng với dịch bệnh, e ngại đến nơi đông người, và cũng không còn tình trạng gom hàng.