Hương trà ngày mới

Bà ngoại nhẹ nhàng nói: “Năm mới, trước khi làm gì, phải ngồi lại uống chén trà, để tâm mình an trước đã".

Trong con ngõ nhỏ Lý Thường Kiệt, nơi những dãy nhà tập thể cấp bốn cũ kỹ nép mình dưới bóng cây xà cừ già, mùa xuân dường như luôn chạm ngõ sớm hơn. Con ngõ chật hẹp nhưng tràn đầy sức sống ấy chính là nơi mọi mùi hương, âm thanh và câu chuyện của Tết quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh vừa ấm áp, vừa lặng lẽ. Ngôi nhà của bà ngoại tôi nằm ở tầng một, một căn hộ nhỏ với cửa gỗ cũ đã bong tróc sơn xanh, ô cửa sổ nhỏ nhìn ra cái giếng chung phía trước nhà. Căn nhà ấy không rộng, nhưng đủ để chứa đựng cả một thế giới ký ức mà mỗi lần bước vào, người ta đều có thể cảm nhận rõ ràng hơi ấm của nếp nhà truyền thống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái giếng trước cửa là trái tim của cả khu tập thể. Thành giếng bằng gạch đã ngả màu rêu phong, những viên gạch đỏ bây giờ chỉ còn là những đường viền mờ nhạt. Cái cần kéo bằng sắt cũ kẽo kẹt mỗi khi ai đó thả gàu xuống múc nước. Vào những ngày cuối năm, cái giếng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Tiếng gầu nước va vào thành giếng, tiếng thùng nhôm đặt xuống đất, tiếng cười nói của các bà, các cô đang tất bật rửa rau, rửa lá dong, vang vọng khắp con ngõ. Những câu chuyện không đầu không cuối, khi là giá cả ngoài chợ, khi là tin tức về những đứa con xa nhà sắp trở về, cứ thế nối tiếp, như một bản nhạc xuân rộn ràng mà giản dị.

Bà ngoại tôi thường ra giếng từ sáng sớm, tay xách đôi thùng nhôm đã cũ, cẩn thận kéo từng gàu nước lên rửa lá dong. Những chiếc lá dong xanh mướt được bà vuốt thẳng, từng gân lá hiện rõ dưới làn nước mát lành. “Nước giếng này tốt lắm,” bà bảo, “lá dong rửa bằng nước giếng sẽ sạch bóng, bánh chưng luộc ra mới thơm, mới xanh”. Bà không nói nhiều, nhưng mỗi cử chỉ đều cẩn trọng, như một nghi thức lặng lẽ để gìn giữ cái nếp nhà không bị mai một. Tôi đứng bên cạnh, nhìn tay bà thoăn thoắt rửa từng chiếc lá, mà chợt thấy lòng mình chùng lại. Cái giếng ấy, bà đã gắn bó cả đời. Mỗi gàu nước bà kéo lên không chỉ làm sạch lá dong, mà còn như kéo lên cả ký ức của bao mùa Tết đã qua.

Bên trong căn nhà nhỏ, bàn trà đã được bà chuẩn bị từ sớm. Đó không phải là chiếc bàn gỗ lim sang trọng, mà là một chiếc bàn tiếp khách bằng gỗ đơn sơ, góc bàn đã sờn vì thời gian. Trên bàn, bộ ấm chén sứ cô tiên nằm ngay ngắn trên một chiếc khay gỗ có lỗ thoát nước, bên cạnh là đĩa kẹo lạc, vài lát mứt gừng, và một ít bánh quy giòn. “Bàn trà không cần sang trọng, nhưng phải tươm tất”, bà thường bảo, tay lau từng chiếc chén, đôi mắt ánh lên vẻ chăm chút cẩn thận. Tôi ngồi bên cạnh, lặng lẽ nhìn từng động tác của bà, thấy trong đó không chỉ có sự tỉ mỉ mà còn có cả tâm tình gửi gắm vào từng chi tiết nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông ngoại tôi ngồi ở góc bàn trà, điềm đạm, mái tóc bạc lúc nào cũng nhuộm đen bằng chiếc lược nhựa, đôi tay đã chai sạn cầm chiếc ấm Bát Tràng men rạn, rót nước sôi từ chiếc phích nhôm vào ấm. “Pha trà đầu năm không phải để uống vội, mà là để cảm nhận,” ông nói, giọng chậm rãi. “Chén trà này là để thanh lọc, để gột rửa hết những điều không vui của năm cũ, đón một khởi đầu mới thật nhẹ nhàng”. Ông rót trà, từng dòng nước chảy xuống chén nhỏ, mùi thơm của “chè mạn” dịu dàng thoảng ra, như lời nhắc nhở tĩnh lặng của đất trời gửi đến con người.

Sáng mùng 1, cả nhà quây quần bên bàn trà. Ông bà, bố mẹ, và tôi, mỗi người nâng một chén trà nhỏ. Tôi nhìn ông ngoại nhấp một ngụm trà, đôi mắt ông khẽ khép lại, như đang trôi về một miền ký ức xa xăm nào đó. Bà ngoại nhẹ nhàng nói: “Năm mới, trước khi làm gì, phải ngồi lại uống chén trà, để tâm mình an trước đã. Tết là lúc để nhớ mình đã đi qua những gì và trân trọng những gì đang có”. Tôi nghe lời bà, nhấp một ngụm trà. Vị trà đắng nhẹ nơi đầu lưỡi, rồi ngọt dần nơi cuống họng, như một lời nhắc rằng, mọi khó khăn đều sẽ qua, mọi điều tốt lành rồi sẽ đến.

Bên ngoài, cái giếng vẫn đứng lặng lẽ, như một nhân chứng của bao mùa xuân đã đi qua. Tiếng gàu nước kẽo kẹt hòa với tiếng cười nói của các bác hàng xóm. Tôi nhìn cái giếng, nhìn bàn trà, và chợt nhận ra rằng, nếp nhà không nằm ở sự rộng rãi, giàu có, mà nằm ở những điều nhỏ bé nhưng bền vững như thế này. Một cái giếng giữ nước mát lành cho cả xóm, một bàn trà cũ kỹ nhưng luôn được sắp xếp cẩn thận, và những câu chuyện đời thường được kể bên chén trà đầu xuân.

Tôi nhớ có một cái Tết, mẹ tôi và dì út - hai chị em vốn thân thiết - bất đồng chuyện công việc. Không khí trong nhà căng thẳng suốt chiều 30. Bà ngoại không trách mắng, chỉ lặng lẽ pha một ấm trà mới. Hương trà thoảng ra, lan tỏa trong không gian chật hẹp. Bà đặt hai chén trà trước mặt mẹ và dì, rồi nhẹ nhàng bảo: “Trà sen phải ướp lâu mới thơm, tình cảm phải nhẫn nại thì mới bền”. Hai người ngồi im lặng một lúc, rồi cùng nâng chén trà lên uống. Sự im lặng dần tan biến, thay vào đó là những câu nói nhẹ nhàng hơn, và cuối cùng là một cái cười khẽ. Tôi nhìn cảnh ấy, chợt hiểu rằng, trong ngôi nhà nhỏ này, bàn trà không chỉ là nơi uống trà, mà còn là nơi hàn gắn những điều tưởng như đã rạn vỡ.

Ngày Tết ở nhà bà không có sự cầu kỳ, nhưng luôn đầy ắp sự đầm ấm. Tôi thích cách bà chuẩn bị mọi thứ, từ việc lau bàn trà đến việc sắp xếp từng chiếc bánh, từng thanh kẹo. Tôi thích cách ông ngồi trầm tĩnh, nhấp từng ngụm trà như đang chiêm nghiệm về thời gian. Tôi thích cái giếng trước nhà, nơi mỗi gàu nước kéo lên không chỉ mang theo nước mà còn mang theo cả những câu chuyện đời thường.

Và tôi nghĩ về tương lai, khi ngõ nhỏ này có thể thay đổi, khi cái giếng cũ có thể chỉ còn trong ký ức. Nhưng tôi tin rằng, bàn trà của bà, chén trà đầu xuân của ông, và những câu chuyện quanh cái giếng ấy sẽ mãi là một phần trong tôi – một phần của mùa xuân, của những giá trị mà tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời.

Hương trà sen vẫn thoảng trong không gian, dịu dàng và tĩnh lặng. Tôi nâng chén trà lên, cảm nhận cái thanh khiết thấm vào lòng mình, như một lời nhắc nhở rằng, năm mới là cơ hội để khởi đầu, để giữ gìn những giá trị quý giá mà ta luôn trân trọng. Một mùa Tết mới bắt đầu, và tôi biết rằng, dù đi xa đến đâu, lòng tôi sẽ luôn tìm về nơi này – nơi có cái giếng cũ, bàn trà nhỏ, và những con người đã làm nên hồn Tết.

Cái giếng trước nhà, bàn trà cũ kỹ, và ngõ nhỏ Lý Thường Kiệt – tất cả đã gắn bó với gia đình tôi qua bao mùa Tết. Khi tôi lên cấp 2, mẹ bảo, đây sẽ là cái Tết cuối cùng trong căn nhà nhỏ này. “Nhà mới chắc chắn sẽ khang trang hơn, không còn cảnh mưa dột hay giếng cạn nữa,” bà bảo, giọng cố tỏ ra lạc quan. Nhưng tôi nhìn đôi tay bà, thấy chúng vuốt nhẹ lên thành bàn trà cũ, như thể đang níu giữ một điều gì đó vô hình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tết năm ấy, ngõ nhỏ như đông vui hơn mọi năm. Các gia đình đều muốn tận hưởng cái không khí quen thuộc trước khi rời xa nơi này. Tiếng gàu nước kéo lên từ giếng vang lên rộn ràng mỗi sớm, các bác hàng xóm ghé nhà nhau thường xuyên hơn, mang theo những lời chúc đầy thân tình. Bà tôi vẫn pha trà, vẫn ngồi bên bàn tiếp khách như mọi mùa xuân trước. Nhưng lần này, ánh mắt bà thi thoảng lại hướng ra phía giếng, như muốn ghi nhớ thật sâu hình ảnh của nơi đã gắn bó cả đời bà.

Sáng mùng 1, cả nhà tôi quây quần bên bàn trà lần cuối cùng ở căn nhà cũ. “Tết năm sau nhà mình sẽ ở chỗ khác,” bà khẽ nói, giọng hơi lạc. “Nhưng nhớ rằng, dù ở đâu, cái nếp nhà vẫn phải giữ. Phải có bàn trà, phải có hương trà đầu xuân, phải có sự yêu thương”. Câu nói ấy như một lời căn dặn gửi vào không gian, len lỏi vào lòng mỗi người. Tôi đứng trước cửa nhà, nhìn cái giếng lần cuối. Thành giếng cũ vẫn còn nguyên những vết mòn của thời gian, nước giếng trong veo phản chiếu bầu trời xuân. Tôi nghĩ đến những lần bà kéo gàu nước, những câu chuyện rì rầm của xóm, và cả tiếng cười của lũ trẻ chạy quanh giếng. Tất cả như một cuốn phim chậm rãi lướt qua trong tâm trí. Tôi khẽ nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, như muốn lưu giữ mãi hương vị của nơi này.

Rồi chúng tôi rời đi. Ngày chuyển nhà, tôi ngoái lại nhìn con ngõ nhỏ, nhìn cái giếng cũ, nhìn cánh cửa gỗ quen thuộc một lần nữa. Tôi biết rằng, dù có chuyển đi đâu, dù ngôi nhà này rồi sẽ bị thay đổi, những giá trị của nó sẽ mãi theo tôi, qua từng chén trà đầu năm, qua những mùa xuân tiếp nối. Nơi đây, cái giếng cũ, bàn trà nhỏ, và không khí của ngõ Lý Thường Kiệt, sẽ luôn là một phần ký ức đẹp nhất trong lòng tôi – một phần của nếp nhà mà tôi sẽ mang theo, như mang theo một mạch nguồn không bao giờ cạn.

Ngọc Linh

Trà hoa với người Hà Nội

Trà hoa với người Hà Nội

Bên hiên nhà ngói cổ đón làn gió xuân thơ thới thổi, nhấp ngụm chè nụ hoa sói thơm hương như bỗng nguôi quên bao vất vả mưu sinh giữa đời thường.