IMF dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,9% trong năm 2020

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/6 cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra một "cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy", khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020 và làm biến mất 12.000 tỷ USD trong 2 năm.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus. IMF cảnh báo: "Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tiêu cực hơn dự báo, và sự phục hồi sẽ chậm chạp hơn các dự báo trước đây".

Theo báo cáo trên, trong khi các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại ở nhiều nước và Trung Quốc chứng kiến sự hồi phục nảy lớn hơn dự kiến, một làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đe dọa triển vọng này. IMF dự báo GDP thế giới sẽ tăng trở lại 5,4% trong năm 2021, nhưng chỉ khi mọi chuyện diễn ra theo kịch bản tốt đẹp.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1% vào năm 2020, tốt hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, IMF cho biết. Ảnh: AP
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1% vào năm 2020, tốt hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, IMF cho biết. Ảnh: AP

Kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath bày tỏ thận trọng rằng "chúng ta chưa thoát nạn", đồng thời kêu gọi cần tiếp tục các hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài chính. Trong một bài đăng trên trang blog cá nhân, ông Gopinath cho biết sự suy thoái đặc biệt gây thiệt hại cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và các hộ gia đình, đồng thời đe dọa những tiến bộ đã đạt được trong xóa giảm đói nghèo. Các chuyên gia IMF lo ngại dịch sẽ "để lại những vết sẹo dài" trong thương mại, kinh doanh và việc làm. Theo báo cáo, thiệt hại là rất lớn và lan rộng hơn bất kỳ đợt suy thoái nào trong nhiều thập kỷ qua. Suy thoái tại các nền kinh tế lớn sẽ hơn gấp đôi mức mà họ từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Năm nay, Trung Quốc sẽ góp 1% cho tăng trưởng toàn cầu, con số tích cực duy nhất trong danh sách dài các nền kinh tế quan trọng mà IMF theo dõi. Mỹ sẽ suy thoái 8% và Đức suy thoái nhẹ hơn, trong khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh sẽ suy thoái ở mức 2 con số. Nhật Bản làm tốt hơn một chút, với suy thoái ở mức 5,8%. Mexico cũng sẽ chứng kiến suy thoái hai con số, trong khi Brazil gần mức đó. Argentina đang trong núi nợ lớn do cuộc khủng hoảng kép y tế và kinh tế sau khi nước này một lần nữa không thể trả được nợ nước ngoài.

  Người dân mua hàng tại siêu thị ở Canberra, Australia.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Canberra, Australia.

IMF cũng nêu số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính hơn 300 triệu việc làm đã biến mất trong quý II năm nay. Một loạt các quỹ hỗ trợ lớn của chính phủ cho người lao động và các doanh nghiệp "ngăn chặn sự thiệt hại tồi tệ nhất trong tương lai gần" nhưng IMF kêu gọi các nước tránh rơi vào tình trạng trong đó hỗ trợ "ngừng lại quá sớm hoặc không đúng mục tiêu" có thể làm gia tăng thiệt hại kinh tế . IMF cảnh báo khi các hoạt động kinh tế tiếp tục giảm trong thời gian dài có thể dẫn tới những vấn đề mới như các công ty lớn hơn phải đóng cửa, các công ty còn trụ lại phải sa thải nhân viên.

IMF dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ suy giảm dưới 12% và các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến sự suy giảm thậm chí mạnh hơn. IMF cũng cảnh báo các nguy cơ đặt ra do các quan hệ xuống cấp giữa các quốc gia và trông nội bộ một nước. Báo cáo của IMF nhấn mạnh: "Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận, xung đột trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+), cũng như tình trạng bạo loạn xã hội lan rộng đang đặt ra nhiều thách thức khác đối với nền kinh tế toàn cầu ".

IMF đưa ra hai kịch bản về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo kịch bản tồi tệ, một đợt bùng phát dịch thứ hai xảy ra vào đầu năm 2021, và các biện pháp mới nhằm kiềm chế virus lây lan sẽ không mạnh như trong năm nay. Nhưng dù các chính phủ đã tăng hỗ trợ tài chính, "dịch bệnh sẽ gây ra những thiệt hại lâu dài hơn nữa đối với nguồn cung ứng của các nền kinh tế từ năm 2022, các đơn phá sản gia tăng dẫn tới sự phá hủy vốn, làm giảm tăng trưởng sản xuất và gia tăng thất nghiệp". Trong trường hợp này, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2021. 

Theo kịch bản tươi sáng hơn, đà phục hồi diễn ra nhanh hơn dự báo, do các biện pháp kiềm chế virus hiệu quả, khiến các công ty và hộ gia đình bớt lo ngại hơn khi phong tỏa được dỡ bỏ. Các chính phủ cũng tiếp tục các biện pháp chi tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình.

Trong kịch bản này, suy thoái năm 2020 sẽ ở mức 4,5% và phục hồi mạnh hơn trong năm 2021, với tăng trưởng toàn cầu là 8,4%.

Theo TTXVN

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương