Hành động là dòng phim tương đối khó nhằn đối với các nhà làm phim Việt bởi yếu tố dàn dựng tương đối phức tạp và yêu cầu một nhân vật chính đủ sức lôi cuốn. Sau Thanh Sói (2022) hơn nửa năm thì điện ảnh nước nhà mới cho ra lò một phim hành động đánh đấm ở mức ổn áp là Kẻ Ẩn Danh, dù kịch bản vẫn còn nhiều sạn.
Nhân vật chính của Kẻ Ẩn Danh là Lâm (Kiều Minh Tuấn) - một tay giang hồ máu mặt từng phạm tội giết người vì trả thù cho người thân. Sau thảm án, gã "rửa tay gác kiếm" thành một người dân lao động bình thường. Lâm có cuộc sống bình yên bên bà mẹ đơn thân Hạnh (Vân Trang) và cô con gái Hiền (Mai Cát Vi).
Nhưng mọi chuyện không kéo dài được lâu. Một ngày nọ, Hiền bất ngờ bị bắt cóc. Lâm đành tự mình điều tra và biết được đường dây của tay trùm tên Thành (Quốc Trường). Vì không thể báo cảnh sát, gã đành một mình hành động, đối mặt với hàng chục tên sát thủ của Thành để cứu con gái.
Hành động "cháy" máy
Trên thực tế, đạo diễn hành động Samuel Kefi Abrikh của Kẻ Ẩn Danh cũng là người đứng sau Hai Phượng (2019), Thanh Sói, The Princess (2022) hay Lucy (2014)... Do đó mà những pha hành động của phim đều có chất lượng khá tốt. Phong cách chiến đấu của các nhân vật cũng khá đa dạng, trải dài từ phóng dao, ném ám khí cho đến cận chiến tay không, dùng các loại vũ khí… Mỗi pha ra chiêu của từng nhân vật đều có lực chứ không hề múa cho có như nhiều phim hành động khác. Các đòn thế cũng khá mãn nhãn. Phim không hề né tránh yếu tố bạo lực khi có nhiều cảnh đâm chém máu me, những động tác bẻ tay, chân nghe tiếng xương gãy răng rắc cũng không hiếm.
Đặc biệt, Kẻ Ẩn Danh có một đoạn hành động khá hoành tráng khi Lâm đối mặt với các sát thủ trong phòng triển lãm của Thành. Nhóm nhân vật Lâm được xây dựng theo màu sắc văn hóa dân gian Việt Nam với áo dài, cầm cái loại vũ khí là nông cụ hay nhạc cụ truyền thống. Cảnh phim có sự khác biệt rõ rệt về mặt dàn dựng khi đối thủ của Lâm đều có võ thuật chứ không phải nhóm giang hồ đầu đường xó chợ. Vì thế mà các động tác chiến đấu của cả hai phe đều được biên đạo kỹ hơn để tạo ra những chuyển động mượt mà và liền mạch đúng với tính chất của trận đánh.
Tuy nhiên, một điểm đáng tiếc là Kẻ Ẩn Danh lại có nhiều cảnh zoom thẳng vào nhân vật trong lúc hành động hay góc máy thay đổi, rung lắc liên tục. Lẽ ra, phim sử dụng những góc rộng để cho thấy được toàn cảnh hai nhân vật giao chiến với những chuyển động, tương tác với môi trường. Việc zoom có thể làm giảm bớt gánh nặng biên đạo và che đi lỗi hành động nhưng khiến trải nghiệm của người xem trở nên khó chịu.
Diễn xuất tiến bộ của Kiều Minh Tuấn
Kẻ Ẩn Danh đánh dấu sự tiến bộ về nhiều mặt của Kiều Minh Tuấn, từ việc đảm nhận các pha hành động khó cho đến diễn xuất nội tâm. Từ trước đến nay, các vai diễn của anh đều có chút hài hước pha lẫn đểu cáng. Đây là lần đầu tiên người xem được thấy một Kiều Minh Tuấn hoàn toàn nghiêm túc, không có chút biểu cảm hài thường thấy nào.
Lâm có nhiều phân đoạn thể hiện sự đau khổ, dằn vặt vì quá khứ đen tối hay phẫn nộ trước những mất mát của bản thân. Giống Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa cũng có sự tiết chế rõ ràng, không lố và lầy như những bộ phim trước. Thậm chí trong một vài cảnh phim, danh hài sinh năm 1992 còn ra vẻ đáng sợ của một giang hồ thứ thiệt.
Song, vai phản diện của Quốc Trường lại gây thất vọng. Thành vẫn có nét điên điên khùng khùng như Đăng Minh trong Bẫy Ngọt Ngào (2022) hay Trường của Đôi Mắt Âm Dương (2020). Đạo diễn cố tình xây dựng một phản diện tàn ác, sẵn sàng giết người sau vẻ ngoài đạo mạo nhưng hóa ra lại làm quá, khiến nhân vật trở nên lố lăng.
Kịch bản còn nhiều sạn
Kịch bản của Kẻ Ẩn Danh tương đối giống với nhiều phim hành động khác cùng thể loại, đặc biệt là Hai Phượng khi đều xoay quanh một tay giang hồ tìm con gái bị tổ chức buôn người bắt cóc. Trùng hợp hơn là cả hai cô bé đều do Mai Cát Vi thể hiện. Đáng buồn thay, Kẻ Ẩn Danh vẫn mắc phải những sai lầm năm xưa của Hai Phượng.
Ngay từ tên phim, Kẻ Ẩn Danh dường như ngụ ý Lâm là một kẻ có quá khứ bí hiểm, võ nghệ cao cường. Lẽ ra, những chi tiết này phải được hé lộ suốt chiều dài phim để tạo sự kịch tính. Song, phim lại tiết lộ luôn việc Lâm chỉ là một tay giang hồ phải lẩn trốn sau khi gây án ngay từ đầu. Hóa ra, anh chàng cũng chẳng có gì gọi là "ẩn danh" cho lắm vì có miếng "danh" nào đâu mà "ẩn". Đạo diễn cũng chẳng giải thích rõ vì sao Lâm có võ thuật tốt như thế để mà đánh thắng nhóm sát thủ của Thành.
Tổ chức buôn người của Thành tưởng chừng phức tạp khi bị theo dõi đã lâu mà chưa phá được nhưng hóa ra Lâm chỉ cần một vài mối quan hệ là đã dễ dàng nắm được mọi thứ. Chỉ cần vài đấm thì đàn em sẵn sàng "bán đứng" Thành hay tặng một bức tranh thì ông chủ nào đó đã kể tường tận… quá khứ lẫn những gì gã đang làm. Việc Lâm điều tra dễ dàng đã đành, dàn nhân vật phản diện hành động cũng rất vô tri và toàn tự bắn vào chân mình. Một đàn em khác của Thành thì "quên đếm" trong lúc vận chuyển nạn nhân bị bắt cóc. Còn bản thân Thành cũng "quên" luôn việc mình là ông trùm, buộc phải giấu mặt mà lại trực tiếp xuất đầu lộ diện đi gặp Lâm chẳng vì lý do gì cả.
Rốt cuộc, tất cả các sự kiện trong Kẻ Ẩn Danh chỉ nhằm mục đích để các nhân vật đánh đấm nhau càng nhiều càng tốt. Còn lại, đạo diễn chẳng cần quan tâm xem chúng có hợp logic hay không.
Chấm điểm: 3/5
Nhìn chung, Kẻ Ẩn Danh là một phim đầu tay ở mức tạm ổn của đạo diễn Trần Trọng Dần, đặc biệt là với thể loại hành động không dễ thực hiện. Phim có sự chỉn chu nhất định trong khâu dàn dựng và biên đạo võ thuật. Nếu đầu tư kỹ hơn về mặt kịch bản, nhà làm phim có thể tiến xa hơn ở tác phẩm kế tiếp.
Nguồn ảnh: NSX
Nam thần màn ảnh Việt tái xuất showbiz sau nhiều năm vắng bóng: Từng bị trầm cảm nặng, gầy rộc sút hơn 10 kg sau biến cố
Trước khi quay trở lại hoạt động nghệ thuật, nam thần màn ảnh Việt từng trải qua nhiều biến cố và rút lui khỏi showbiz một thời gian dài.